Ngân hàng - Bảo hiểm
Cho vay tín chấp, ngân hàng bế tắc đòi nợ
Hà Tâm - 20/11/2023 08:22
Hàng ngàn khoản nợ xấu vay tín chấp đang nằm kho tại các ngân hàng thương mại, công ty tài chính kể từ khi hoạt động của các công ty mua bán nợ bị đóng băng, truy quét. Có ý kiến cho rằng, nên xem xét mở lại ngành nghề kinh doanh đòi nợ một cách có điều kiện.
Nợ xấu tăng đang là bài toán đau đầu với các nhà băng.  Ảnh: Đ.T

Bế tắc nợ không tài sản đảm bảo

Từ đầu năm đến nay, VietinBank nhiều lần rao bán hàng trăm khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản thế chấp, song không có người mua. Nhiều ngân hàng TMCP khác cũng cho biết, họ đang bế tắc trong việc bán nợ không có tài sản đảm bảo.

Đại diện Ngân hàng BIDV cho hay, nợ xấu cho vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo tại ngân hàng này chưa đến 1% tổng dư nợ vay tiêu dùng, nhưng số lượng khoản vay lên đến hàng ngàn, nên công tác thu hồi gặp nhiều khó khăn do mất nhiều nhân lực để thực hiện việc này.

“Thực tế, việc bán danh mục các khoản nợ này không thực hiện được do thị trường không có bên mua, do đặc điểm quy mô khoản vay nhỏ và không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng không thuê được các dịch vụ thu hồi nợ, do doanh nghiệp không được kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực thu hồi nợ”, đại diện BIDV cho hay.

Những năm trước, các ngân hàng, công ty tài chính thường bán theo lô các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng cho các công ty thu hồi nợ, các công ty tư vấn luật. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít công ty này đòi nợ theo hình thức cực đoan, khủng bố, bị công an xử lý. Đến nay, các công ty mua thu hồi nợ gần như đã bị đóng băng hoạt động.

Ông Bùi Đức Tài, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đề nghị, các ngân hàng phải nghiêm cấm hành vi ký kết các hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ, đòi nợ thuê.

Tuy vậy, việc các ngân hàng đứng ra thu hồi từng món nợ nhỏ không hề dễ dàng. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, việc thu hồi nợ hiệu quả với các món nợ nhỏ thường phải thông qua bên thứ ba.

Ông Kian Foh Then, Tổng giám đốc điều hành Collectius (Asia) - fintech hàng đầu Đông Nam Á về dịch vụ quản lý nợ khuyến nghị, Việt Nam nên bỏ ngành nghề “đòi nợ” khỏi danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Ông Kian Foh Then lấy ví dụ, các nước trong khu vực đều cho phép đòi nợ qua trung gian thứ ba, tất nhiên đi cùng là các quy định khắt khe. Chẳng hạn, tại Indonesia, tất cả công ty fintech đều phải có giấy phép của Hiệp hội Fintech Indonesia (AFPI) đối với các dịch vụ đòi nợ. Malaysia, Singapore, Philipines và Thái Lan đều có hiệp hội thu hồi nợ. Các nước này cho phép các định chế tài chính được thuê dịch vụ ngoài ngân hàng để đòi nợ. Tất nhiên, các tổ chức đòi nợ này phải có chứng nhận về việc thành viên hiệp hội thu hồi nợ và hòa giải viên phải trải qua đào tạo, phải tuân theo Bộ quy tắc ứng xử.

Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ: “Rất tiếc là chúng ta đã cấm dịch vụ đòi nợ thuê, trong khi đây là nhu cầu tất yếu của thị trường. Đúng ra, tòa án, các cơ quan thực thi pháp luật phải bảo vệ quyền chủ nợ. Song trong khi tòa án chưa làm được, chúng ta phải mở cửa cho các đơn vị đòi nợ, cùng với việc nâng cao vai trò của cơ quan tố tụng”.

Các ngân hàng, công ty tài chính cho biết, nhiều khoản vay từ lúc khởi kiện đến khi thi hành án, phát mại tài sản mất 2-3 năm. Với nhiều khoản nợ có giá trị nhỏ, việc đòi nợ qua tòa án là không khả thi do quá mất thời gian và tốn kém, thậm chí chi phí bỏ ra còn lớn hơn khoản nợ xấu thu về.

Theo các ngân hàng, công ty tài chính, việc thu hồi nợ xấu không có tài sản đảm bảo đang gặp khó vì hai lý do.

Một là, hiện tượng bùng nợ tập thể lan rộng.

Hai là, Nghị quyết 32/2017/QH14 thí điểm về nợ xấu sẽ chấm dứt hiệu lực cuối năm nay, trong khi Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chưa kịp thông qua tại kỳ họp này, đồng nghĩa sẽ có một khoảng trống pháp lý với hoạt động thu hồi nợ.

Bảo vệ quyền chủ nợ, hút doanh nghiệp phi ngân hàng mua bán nợ xấu

Ông Kian Foh Then cho rằng, việc cho bên thứ ba tham gia thị trường nợ xấu, tức phát triển thị trường nợ thứ cấp, mang lại nhiều lợi ích cho thị trường. Theo đó, bên mua nợ xấu sẽ hỗ trợ cả bên vay và bên cho vay. Các tổ chức tín dụng bán nợ xấu, nhưng vẫn giữ mối quan hệ với khách hàng.

Cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay, đồng thời có chế tài răn đe, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia các hội nhóm bùng nợ. Nếu không có hành động cụ thể, việc bùng nợ có thể tiếp tục xảy ra và có thể tác động đến nợ xấu không những cuối năm 2023, mà còn nhiều năm sau nữa.

- Ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc HD Saison

Tất nhiên, để làm được điều này, thị trường cần các bên mua có năng lực chuyên môn trong xử lý danh mục nợ xấu phức tạp, cần phải xây dựng thị trường chứng khoán hóa nợ xấu.

Về mặt pháp lý, cần có cơ chế bảo vệ cả bên bán lẫn bên mua; có cơ chế khuyến khích ngân hàng và công ty tài chính bán bớt nợ xấu; có chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nợ xấu; cho phép nhà đầu tư tiếp cận nguồn dữ liệu tin cậy về nợ xấu…

Theo khuyến nghị của Collectius, để xây dựng thị trường nợ thứ cấp, đầu tiên, phải phát triển hệ sinh thái bao gồm các công ty mua bán nợ chuyên biệt và các nền tảng hỗ trợ giao dịch nợ xấu. Tiếp đó, cấp phép cho các công ty cung cấp dịch vụ thu hồi nợ có uy tín. Hạ tầng pháp lý này sẽ giúp đơn giản hóa quy trình cho cả bên mua và bên bán. Cuối cùng là các chính sách ưu đãi, giảm thuế với hoạt động mua bán nợ…

Theo các chuyên gia, để bảo vệ thị trường tài chính tiêu dùng, trước tiên, cần bảo vệ quyền chủ nợ. “Bảo vệ quyền thu hồi nợ của chủ nợ là bảo vệ sống còn bên cho vay, cũng chính là bảo vệ thị trường. Nếu tình trạng bùng nợ tăng mạnh, lãi suất vì vậy cũng sẽ vọt tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu tài chính toàn diện. Các ngân hàng sở hữu hành lang pháp lý vững chắc, có đội ngũ đòi nợ hùng hậu hàng trăm người mà vẫn còn nợ xấu cao. Các công ty tài chính, fintech, chuỗi cầm đồ…, với hành lang pháp lý lỏng lẻo, làm sao có thể đòi nợ nếu không dựa vào lực lượng đòi nợ chuyên nghiệp?”, ông Trương Thanh Đức đặt câu hỏi.

Tin liên quan
Tin khác