Noble House Home Furnishings LLC đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ ngày 11/9/2023. |
Nguy cơ nợ xấu
Quý III/2023 đã đi qua, hoạt động của nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó, từ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, dệt may, đồ gỗ…, tới các doanh nghiệp bán lẻ và tiêu dùng nội địa.
Với doanh nghiệp xuất khẩu phải đối diện nguy cơ phát sinh nợ xấu do đối tác thu hẹp đơn hàng, cũng như nộp đơn xin bảo hộ phá sản, nhưng trong báo cáo tài chính quý III, hàng loạt công ty vẫn chưa thực hiện trích lập dự phòng. Điều này cảnh báo nguy cơ có thể phải sớm trích lập trong các quý tiếp theo.
Tại thời điểm cuối quý III, Công ty cổ phần Phú Tài (mã PTB) có phát sinh khoản phải thu 61,04 tỷ đồng với đối tác Noble House Home Furnishings LLC và không ghi nhận trích lập dự phòng về khoản phải thu nói trên.
Được biết, ngày 11/9/2023, đối tác Noble House Home Furnishings LLC đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản đến Tòa án quận Houston (Texas, Mỹ).
Bình luận về sự kiện này, đại diện Công ty Phú Tài cho biết, việc Noble House tuyên bố bảo hộ phá sản không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Phú Tài. Việc bảo hộ phá sản trên nhằm phục vụ tiến trình tái cơ cấu Noble House trong thời gian tới.
Dù vậy, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) lưu ý, tại thời điểm cuối quý III/2023, Phú Tài có khoản phải thu từ Noble House Home Furnishings là 61 tỷ đồng. Việc nộp đơn xin phá sản sẽ ảnh hưởng tới Phú Tài khi mà các container sản phẩm gỗ xuất khẩu cho Noble House sẽ bị niêm phong chờ xử lý, khiến giá trị hàng hóa bị giảm sút. Công ty Phú Tài phải tìm khách hàng mới để bù đắp cho khoản doanh thu hơn 100 tỷ đồng/năm, phải trích lập dự phòng 30 - 40% giá trị, tương đương 20 - 25 tỷ đồng trong năm 2024.
Một doanh nghiệp niêm yết khác cũng có hoạt động kinh doanh với Noble House là Công ty cổ phần Cẩm Hà (mã CHC). Noble House là khách hàng lớn của Công ty Cẩm Hà, doanh thu bình quân của khách hàng này đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu của Cẩm Hà.
Công ty Cẩm Hà cho biết, đang nỗ lực tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục phá sản của Tòa án để thu hồi các khoản phải thu đối với khách hàng Noble House.
Cũng tại thời điểm cuối quý III/2023, CTCP Sản xuất, Kinh doanh, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL) ghi nhận tồn kho 1.385,9 tỷ đồng, chiếm 40,4% tổng tài sản và không trích lập giảm giá tồn kho.
Cuối năm 2022, Gilimex khởi kiện Amazon để đòi bồi thường 280 triệu USD do cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt trong năm 2022, khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Ông Nguyễn Việt Cường, thành viên HĐQT Gilimex cho biết, mức tồn kho khoảng 800 tỷ đồng liên quan đến Amazon, chủ yếu là thành phẩm, đặc biệt nhiều hàng chỉ dùng cho khách hàng Amazon. Công ty đặt mục tiêu xử lý dứt điểm, dự kiến đến ngày 31/12/2023 sẽ không còn mục này.
Thực tế, việc mất đi khách hàng lớn khiến 3 quý đầu năm 2023, Gilimex ghi nhận doanh thu đạt 706,04 tỷ đồng, giảm 75,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 63,43 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 351,62 tỷ đồng.
Hệ lụy
Việc các ngân hàng trung ương, đứng đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn thực hiện tăng lãi suất cao hơn và giữ trong thời gian dài hạn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phòng ngừa trường hợp lạm phát quay trở lại đã gây hậu quả cho nhiều doanh nghiệp tại các nước phát triển.
Theo số liệu của Công ty tư vấn Cornerstone Research, nửa đầu năm 2023, ước tính có khoảng 16 vụ phá sản của doanh nghiệp lớn, đều là những doanh nghiệp có từ 1 tỷ USD tài sản trở lên, cao hơn so với con số trung bình 11 doanh nghiệp/năm suốt từ năm 2005 đến năm 2022. Trong đó, vụ phá sản của Tập đoàn tài chính SVB Financial Group, doanh nghiệp mẹ sở hữu Silicon Valley Bank (SVB), có quy mô lớn nhất. SVB Financial Group có tổng tài sản ước tính đến 20 tỷ USD ở thời điểm nộp hồ sơ phá sản. Yellow, một trong những doanh nghiệp vận tải lớn nhất của Mỹ cũng nộp hồ sơ xin phá sản…
Ngoài ra, theo dữ liệu của S&P Global, 459 công ty tại Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tính đến cuối tháng 8/2023, vượt số doanh nghiệp phá sản trong cả 2 năm 2021 và 2022.
Việc các doanh nghiệp nộp hồ sơ bảo trợ phá sản tăng lên, đồng nghĩa những khó khăn của thị trường nhập khẩu, cũng như nguy cơ phát sinh nợ xấu đối với các quốc gia xuất khẩu.
Trong quá khứ, khi đối tác nhập khẩu gặp khó, các công ty ở Việt Nam cũng gặp khó theo và phát sinh nợ xấu. Đơn cử, đầu năm 2020, RTW Retailwinds, công ty sở hữu gần 400 cửa hàng New York&Co tại Mỹ, đối tác xuất khẩu lớn của Công ty cổ phần May Sông Hồng nộp đơn xin phá sản. Thời điểm đó, May Sông Hồng có khoản phải thu trị giá 219 tỷ đồng với RTW Retailwinds. Công ty đã bán khoản nợ đó cho Công ty TNHH Easy Fashion Macao Commercial Offshore với giá trị thu hồi quy đổi là gần 80 tỷ đồng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, hồi năm 2018, Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (mã TCM) cũng đối mặt với sự cố khách hàng bên Mỹ phá sản, khi đối tác là Công ty Sears Holding nộp đơn phá sản tại tòa án Mỹ và trong danh sách các công ty con của Sears Holding nộp đơn phá sản có 2 đơn vị đang giao dịch với TCM là Công ty Sears Roebuck và Công ty Kmart. Hai khách hàng này chiếm đến 7% doanh thu hàng năm của Dệt may Thành Công.
Ngay khi có thông tin đối tác nộp đơn xin phá sản, phía Dệt may Thành Công đã thuê luật sư bên Mỹ tham gia quá trình xử lý, đồng thời trích lập dự phòng khoản nợ này, nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được đồng nào.