Xu hướng sử dụng điện hạt nhân trên thế giới
Kể từ khi ra đời lần đầu tiên vào năm 1954 tại Nga (Liên Xô cũ), nhà máy điện hạt nhân mang lại những lợi ích to lớn, không thể phủ nhận cho đời sống con người. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc sản xuất loại năng lượng này cũng đem đến những rủi ro, tai nạn khủng khiếp, như vụ nổ nhà máy điện hạt nhân tại Chernobyl (Ukraine) năm 1986 và ở Fukushima (Nhật Bản) năm 2011…
| ||
Việt Nam có bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, là nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển điện gió, điện mặt trời |
Chính vì thế, nhiều nước, trong đó có Đức, Nhật, Hàn Quốc đang rất cân nhắc trong việc đầu tư vào điện hạt nhân. Đến nay, điện hạt nhân chỉ chiếm khoảng 20% nguồn năng lượng điện toàn cầu
Năm 2011, Đức trở thành cường quốc kinh tế đầu tiên đồng ý chấm dứt sử dụng điện hạt nhân, với lộ trình đóng cửa các nhà máy từ nay tới năm 2022. Tại Đức, có 17 lò hạt nhân, thì 14 trong số này đã ngừng hoạt động, không phát điện, 3 lò phản ứng cuối cùng sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm 2022.
Mới đây, Hàn Quốc đã ra lệnh đóng cửa thêm 2 lò phản ứng hạt nhân, đồng thời hoãn việc khởi động 2 nhà máy khác. Như vậy, đến nay, có tổng cộng 10 trong tổng số 23 lò phản ứng hạt nhân của nước này ngừng hoạt động… Ngoài ra, còn một số nước phát triển khác, như Canada, Nhật Bản... cũng đang có những hành động tương tự.
Rõ ràng là, nhiều nước phát triển đã, đang giảm dần và đi tới việc ngừng sử dụng điện hạt nhân trong một tương lai không xa.
Còn ở Việt Nam thì sao? Việc đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân được định hướng và triển khai như thế nào?
Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam
Theo Nghị quyết số 41/2009/NQ - QH12 ngày 25/11/2009 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy có quy mô là 4.000 MW; tổng mức đầu tư tại thời điểm lập dự án (quý IV/2008) khoảng 200.000 tỷ đồng; khởi công Nhà máy Ninh Thuận I vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.
Còn theo Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có nêu: “Năm 2020, đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, với công suất 1.000 MW, năm 2025 khoảng 8.000 MW và năm 2030 là 15.000 MW chiếm khoảng 10%
nguồn điện”.
Vậy câu hỏi được đặt ra là người đi sau, chúng ta có điều kiện quan sát, phân tích và rút kinh nghiệm về các bài học, tai nạn liên quan đến điện hạt nhân đã xảy ra. Nếu không phát triển điện hạt nhân, thì chúng ta có thể phát triển nguồn năng lượng gì thay thế và phát triển như thế nào?
Điện gió có lợi thế hơn nhiều
Chiều dài đường biển Việt Nam là 3.350 km (được công bố trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ), được tính bằng chiều dài của các tỉnh ven biển. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, đây là một nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào và phong phú để phát triển điện gió, điện mặt trời…
Để có điều kiện so sánh một cách cụ thể hơn, xin lấy Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận và Dự án Điện gió do Công ty TNHH Xây dựng và Du lịch Cà Mau là chủ đầu tư làm ví dụ so sánh.
Theo nghị quyết của Quốc hội, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận có công suất thiết kế 4.000 MW, tổng mức đầu tư 200.000 tỷ đồng tại thời điểm quý IV/2008. Nếu tính đến năm 2020 là năm phát tổ máy đầu tiên, với chỉ số CPI tăng bình quân là 10,8%/năm (đây là mức trung bình của CPI trong các năm 2009, 2010, 2011 và 2012), thì tổng mức đầu tư của Dự án có thể tăng gấp hơn 2 lần tức là khoảng hơn 400.000 tỷ đồng; theo đó, suất đầu tư hơn 100 tỷ đồng/MW. Trong khi đó, Nhà máy Điện gió Cà Mau có tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, với công suất 99 MW, sau 2-3 năm có thể đưa vào vận hành. Như vậy, tính cả chỉ số CPI, thì suất đầu tư cho điện gió cũng chỉ khoảng 55-60 tỷ đồng/MW, rẻ được gần một nửa so với suất đầu tư điện hạt nhân.
Như vậy, để cùng làm ra công suất điện 4.000 MW, điện hạt nhân tiêu tốn khoảng 20 tỷ USD, trong khi đó điện gió chỉ hết hơn 10 tỷ USD, tiết kiệm được tới gần 10 tỷ USD, đây là một con số khổng lồ với nền kinh tế Việt Nam.
Các lợi ích khác mà có thể dễ dàng nhận thấy từ việc đầu tư điện gió, như tổng mức đầu tư cho một dự án thấp, nên có thể tiến hành cùng lúc nhiều dự án ở nhiều địa phương khác nhau; dễ huy động các nguồn lực để đầu tư; thời gian xây dựng không dài, nên sớm có nguồn điện bổ sung; quá trình bảo dưỡng và vận hành đơn giản; không gây ô nhiễm môi trường; phù hợp với xu thế chung của thế giới…
Trong khi đó, đầu tư điện hạt nhân, cần thời gian dài (khoảng 12-15 năm), suất đầu tư cao gấp 2 lần điện gió, tổng mức đầu tư lớn, rất khó huy động nguồn lực và xã hội hoá công tác đầu tư. Việc kiểm soát, vận hành và an toàn hạt nhân vô cùng phức tạp; bảo vệ môi trường, xử lý chất thải hạt nhân cũng là mối quan ngại lớn.
Việt Nam vừa bước qua ngưỡng cửa của một nước có thu nhập bình quân đầu người thấp, nên việc sử dụng các nguồn lực quốc gia cần được tính toán một cách hết sức căn cơ sao cho đúng hướng và thật hiệu quả. Chương trình điện hạt nhân là vấn đề vô cùng hệ trọng cho sự phát triển của đất nước.
Với trách nhiệm công dân, bằng sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi rất mong nhận được sự quan tâm và chia sẻ của các cấp có thẩm quyền, các nhà khoa học, các nhà kinh tế và bạn đọc gần xa.
(*) Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Khai Sơn
TS. Trần Quang Khai (*)