- Kiểm soát chặt doanh nghiệp bất động sản huy động vốn qua phát hành trái phiếu
- Vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản
- Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ là “điểm tựa” cho các doanh nghiệp bất động sản
- Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị gì trong buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) |
Sau cuộc làm việc với lãnh đạo Chính phủ, những kiến nghị của HoREA và cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu được ghi nhận thông qua việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án bất động sản. Ông kỳ vọng gì sau quyết định này?
Việc thành lập Tổ công tác là một quyết định rất kịp thời, mang tính nền tảng, thể hiện Thủ tướng và Chính phủ đã thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm rất khó khăn. Quyết định này có tác động lan tỏa tích cực và tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư.
Một điểm rất đặc biệt trong quyết định này là Thủ tướng Chính phủ đã giao cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của Tổ công tác, nhất là nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dự án. Do đó, tôi kỳ vọng, Tổ công tác khi làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, cần lắng nghe, xác định cho được các nguyên nhân chủ yếu và đưa ra các giải pháp cấp bách thật đúng, thật trúng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà.
Đồng thời, Tổ công tác tìm cho được điểm cân bằng, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhà nước, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, suy thoái kinh tế, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh.
Quyết định thành lập Tổ công tác đã quy định rất rõ về quyền hạn, nhiệm vụ, nhưng có một vấn đề tôi kiến nghị Thủ tướng cần lưu tâm là chế độ báo cáo. Theo tôi, nên có chế độ báo cáo cụ thể, từ nửa tháng đến 1 tháng, hoặc khi phát hiện những dự án cấp bách, ngoài vấn đề thẩm quyền của Tổ công tác, thì báo cáo ngay để Thủ tướng xem xét giải quyết kịp thời.
Trong kiến nghị mà HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, đâu là vấn đề ưu tiên mà Tổ công tác cần tập trung rà soát, thưa ông?
Có quá nhiều vấn đề cần giải quyết của thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên, gốc rễ vẫn là vướng mắc pháp lý, thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, từ luật, nghị định đến việc thực thi pháp luật. Để giải quyết triệt để những khó khăn liên quan đến pháp lý, cần có thời gian, mà giải pháp có tính quyết định nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan vào năm 2023.
Tổ công tác có thể lựa chọn khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý, để tập trung tháo gỡ, làm tiền lệ giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường.
Trong quá trình rà soát, với các vướng mắc liên quan đến luật, cần báo cáo ngay Thủ tướng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi có phiên họp chính thức của Quốc hội. Những vướng mắc liên quan đến nghị định cũng cần sớm sửa đổi, trong đó tập trung vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Bộ Xây dựng cũng cần sớm xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại, bởi hiện nhiều vướng mắc của doanh nghiệp không đến từ luật, nghị định, mà đến từ cấp thực thi pháp luật. Có một số cơ quan thực thi do một số cán bộ, công chức có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý, nên đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính, làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.
Trong quyết định thành lập Tổ công tác, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đào Minh Tú được phân công làm Tổ phó. Phải chăng, giải quyết vấn đề nguồn vốn hiện nay cũng là yếu tố mang tính thiết thực và kịp thời để tái lập thanh khoản cho thị trường?
Đúng như vậy. Từ đầu tháng 4 đến nay, do không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số doanh nghiệp phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án, sản phẩm bất động sản với chiết khấu sâu. Trong khi đó, thị trường chứng khoán đang bị tác động rất lớn về niềm tin cũng gây không ít khó khăn trong huy động vốn cho các doanh nghiệp.
Do đó, cùng với các biện pháp tháo gỡ về pháp lý, thủ tục hành chính và ổn định thị trường chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nới trần tín dụng thêm khoảng 1 - 2%. Nguồn vốn này có thể ưu tiên cho các dự án nhà ở thương mại, các dự án nhà ở vừa túi tiền, nhất là các những dự án được đầu tư bởi các doanh nghiệp có uy tín, thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế, dự án đảm bảo yếu tố pháp lý đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.