Ưu tiên dự án thân thiện môi trường
10 năm trước, có lần trò chuyện về quy hoạch và hướng đi bền vững cho Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, thân thiện và thông minh, KTS. Hồ Duy Diệm cho rằng, Đà Nẵng còn thiếu quá nhiều mảng xanh, nên xu thế tất yếu là phải “trám” lỗ hổng này. Theo đó, Đà Nẵng phải lựa chọn những dự án đầu tư thân thiện với môi trường để giữ cân bằng môi trường sống, môi trường sinh thái, môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư.
Dự án Intercontinentail của Sun Group được thiết kế với ý tưởng chủ đạo lồng vào thiên nhiên nên luôn được đánh giá là một trong những nơi nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới. Ảnh: Hà Minh |
Không phải ngẫu nhiên ông Diệm có nhìn nhận khách quan, tâm huyết và… cơ bản đúng như vậy. “Không thể làm du lịch bằng các dự án với ống khói đen ngòm, mù mịt và tiếng ồn đinh tai nhức óc của những phân xưởng sản xuất. Lại càng không thể làm du lịch khi mà những cống nước thải xả thẳng ra biển mang theo mùi hôi nồng nặc”, ông Diệm đã nói vậy.
Những nhận định đó dường như dần trở thành hiện thực tại các địa phương miền Trung, khi tiềm năng du lịch vẫn vượt trội so với những tiềm năng khác, nhất là du lịch di sản, sinh thái, ven biển và hải đảo. Duyên hải miền Trung có đường bờ biển dài, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng đẹp như: Lăng Cô (Huế), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa)…; nhiều đảo, bán đảo nguyên sơ như: Sơn Trà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi)…
TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển thuộc Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung nhận định, du lịch biển đảo là sản phẩm đặc sắc của cả vùng. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế vùng, lấy phát triển du lịch biển đảo gắn với an ninh quốc phòng trên biển làm ngành kinh tế mũi nhọn của từng địa phương và cả vùng.
Tuy nhiên, theo ông Lịch, muốn giữ cân bằng du lịch và các loại hình kinh tế khác, miền Trung cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh. Đó là ngành công nghiệp chủ lực chi phối tạo sự tăng trưởng mạnh để phát triển công nghiệp và xuất khẩu. Điều đó đòi hỏi tăng dần các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ bằng những dự án thân thiện môi trường.
Đích đến là các dự án “xanh”
Tỉnh Quảng Nam đã định hướng rõ ràng tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực gồm: công nghiệp hỗ trợ; vật liệu xây dựng; lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao; lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành cho các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản... và một số lĩnh vực dịch vụ liên quan.
Đồng thời, Quảng Nam kiên quyết từ chối thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên, công nghệ lạc hậu; tập trung xúc tiến thu hút đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực như: công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô; điện - điện tử; công nghiệp dệt may - da giày cao cấp; công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh Bình Định đã chọn ra những dự án lớn và những nhà đầu tư có tiềm lực. Ngoài ra, tỉnh cũng chủ trương thu hút đầu tư các dự án trọng điểm; khuyến khích phát triển các ngành hàng có lợi thế như đồ gỗ nội thất, may mặc, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy, hải sản xuất khẩu…, nhưng giám sát chặt chẽ về tác động môi trường.
Thừa Thiên Huế - địa phương có nhiều di sản văn hóa cũng chọn hướng đi bền vững để phát triển ngành du lịch bằng việc thành lập Khu công nghiệp Phong Điền - Viglacera (khu công nghiệp hỗn hợp đa ngành, công nghệ cao). Cùng với đó, tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, 400 ha được bố trí các nhà máy sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp kỹ thuật cao, với mục tiêu thu hút các dự án công nghiệp trọng điểm, động lực phát triển công nghiệp của Thừa Thiên Huế.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, thuộc Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian tới, không chỉ miền Trung, mà cả nước sẽ phải kiểm soát chặt chẽ, lựa chọn kỹ càng những dự án kim loại, điện, nhiệt điện, dệt nhuộm, thực phẩm... Bên cạnh đó, trong quá trình xúc tiến, thực hiện, triển khai dự án, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương cũng như địa phương buộc nhà đầu tư phải đi theo quy chuẩn của Việt Nam.
Ý kiến - nhận định:
Đà Nẵng không cấp phép các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng |
Những năm gần đây, Đà Nẵng có chủ trương chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch. Qua đó, địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động vận động, xúc tiến đầu tư thông qua việc chủ động xác định địa điểm một số dự án cần kêu gọi đầu tư ngoài khu công nghiệp. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để xúc tiến các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cụ thể như công nghiệp hàng không, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao du lịch, thương mại, logistics, y tế…
Thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, đảm bảo quốc phòng an ninh và phát triển bền vững. Không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ và thiết bị lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững và hội nhập của nền kinh tế thành phố. Trong đó, ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao.
Thừa Thiên Huế ưu tiên thu hút các dự án sạch
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế |
Để trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế định hướng xây dựng đô thị theo mô hình tập hợp đô thị di sản, văn hóa và cảnh quan. Mô hình này được cấu thành bởi đô thị hạt nhân Huế (đô thị di sản văn hóa) và các đô thị văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường được phát triển bền vững trong mối quan hệ gắn kết đô thị - nông thôn - thiên nhiên.
Thừa Thiên Huế sẽ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường; khuyến khích phát triển nhanh một số ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp chế biến tinh, các lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh học, điện tử, vật liệu mới, các ngành có lợi thế cạnh tranh gắn với công nghệ “sạch”, hiện đại, tạo thêm nhiều việc làm. Hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển du lịch và xuất khẩu, tận dụng nguồn nguyên liệu và nguồn nhân công tại chỗ nhằm tạo bước chuyển đổi cơ cấu trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng xanh hóa, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.
Quảng Nam đặc biệt coi trọng vấn đề môi trường
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam |
Với điều kiện hiện tại, Quảng Nam chưa thể đặt trọng tâm thu hút các dự án công nghệ cao do hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, Khu kinh tế mở Chu Lai chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực để đáp ứng cho lĩnh vực này cũng đang là điều phải cân nhắc, tính toán. Nếu Quảng Nam có thể phát triển được thì chỉ phát triển theo hướng công nghiệp phụ trợ, vệ tinh vì những dự án công nghệ cao phù hợp với TP. Đà Nẵng hơn.
Quảng Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên “2 chân”: công nghiệp và du lịch, đặc biệt là du lịch. Vì vậy, Quảng Nam rất thận trọng với việc thu hút các dự án đầu tư có tác động lớn đến môi trường. Dự án nào mang lại lợi ích cho Quảng Nam nhưng vẫn đảm bảo môi trường thì tỉnh luôn sẵn sàng đáp ứng. Còn nếu sinh lợi nhưng gây hại về môi trường thì kiên quyết từ chối. Bằng chứng là năm 2004, Quảng Nam đã từ chối một dự án xây dựng nhà máy thép tại Khu kinh tế mở Chu Lai với số vốn hơn 2 tỷ USD.
Đối với những dự án cấp mới, phải đặc biệt coi trọng vấn đề môi trường; với những dự án đã cấp rồi, nếu doanh nghiệp, nhà máy có nguy cơ tác động đến môi trường thì yêu cầu chủ đầu tư phải đổi mới công nghệ.