Đầu tư
Chọn lĩnh vực để nói “không” và “có” khi thu hút FDI
Nguyên Đức - 16/04/2018 08:08
Là một điển hình thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn vừa qua, song đến nay, cần thiết phải thay đổi, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết và quan trọng để nâng cao hiệu quả thu hút FDI.
TIN LIÊN QUAN

Đâu là đích ngắm?

Dẫn câu chuyện về những thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, như Samsung, LG, Intel, GE, Mitsubishi, Panasonic…, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) khi cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Dự thảo Chiến lược và Định hướng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2018 - 2030 cho rằng, dù đã thành công như vậy, song Việt Nam cần nghiêm túc xem xét để tìm ra những lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI trong giai đoạn tới. 

Nhà máy GE tại Hải Phòng.

“Các chuyên gia đã nói nhiều đến việc Việt Nam cần thu hút FDI với giá trị gia tăng cao, nhưng lại chưa chỉ ra cụ thể giá trị gia tăng dựa vào ngành nghề nào, cách làm ra sao. Trong chiến lược mới, phải chỉ rõ điều đó”, ông Simon Bell, cố vấn cao cấp về chính sách đầu tư của WB nói. Theo ông Simon Bell, đây chính là một trong những thách thức lớn nhất không chỉ của Việt Nam, mà còn của nhiều quốc gia khác đã thành công trong thu hút FDI giai đoạn đầu tiên. Đó là thách thức trong việc xác định những ngành mà FDI vừa khả thi, vừa được mong đợi.

Khả thi có nghĩa là nằm trong tiềm năng phát triển của đất nước, còn được mong đợi là đáp ứng được các kỳ vọng trong thu hút FDI để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế

Dựa trên các nghiên cứu của mình, các chuyên gia WB đã chỉ ra hàng loạt lĩnh vực ưu tiên mới để Việt Nam thu hút đầu tư theo mục tiêu. Đó là các ngành như kim loại bậc cao, khoáng chất, linh kiện điện tử công nghệ cao, nông nghiệp sáng tạo và công nghệ cao, dịch vụ du lịch chất lượng cao…, những ưu tiên trong trước mắt nhằm gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh trong nước. Hoặc là sản xuất thiết bị gốc và cung cấp thiết bị vận tải ô tô, công nghệ môi trường - những ưu tiên trong ngắn hạn, là cơ hội hẹp để cạnh tranh trong ngắn hạn. 

Còn dài hơi hơn, trong ưu tiên trung hạn, nên tập trung vào các ngành sản xuất dược phẩm và y tế, dịch vụ giáo dục và y tế, dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính, dịch vụ công nghệ thông tin…

Lý giải cho lựa chọn này, các chuyên gia cho rằng, đã qua giai đoạn hút đầu tư vào những lĩnh vực giá trị gia tăng thấp, đến nay, cần đầu tư vào những ngành hứa hẹn mang lại những giá trị gia tăng cao.

Trên thực tế, ngay từ khi tổng kết 25 năm thu hút FDI, định hướng thu hút vào những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn đã được xác định. Song cụ thể từng lĩnh vực thì đây là lần đầu tiên được nhắc tới.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng đã nhiều lần lên tiếng rằng, phải tiếp tục ưu tiên thu hút FDI vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, cũng như những lĩnh vực đáp ứng được đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

“Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích bằng chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo và trong tương lai gần là điện thủy triều”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Danh sách có nhiều, nhưng điều quan trọng là làm sao chọn lựa được những lĩnh vực trọng tâm nhất. Dự thảo Chiến lược đã đưa ra đề xuất, quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải lựa chọn thế nào?

“Hơn nữa, điều quan trọng là sau khi chốt danh sách các lĩnh vực cần chủ động xúc tiến đầu tư, để chuyển hóa các khuyến nghị của chiến lược thành hành động, thì cần đến một quy trình có sự tham gia và phối hợp đầy đủ của các bên đối tác”, ông David Brown, cố vấn cao cấp về chính sách đầu tư của WB nói, khi lần đầu tiên tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia cho Dự thảo Chiến lược diễn ra vào cuối năm ngoái.

Chọn lĩnh vực để nói “không”

Có một câu hỏi được đặt ra, đó là cùng với các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI giai đoạn tới, thì cũng cần phải nói “không” với một số lĩnh vực. GS-TSKH Nguyễn Mại đã từng nhấn mạnh rằng, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, thì không nên thu hút thêm dự án FDI sản xuất xi măng, sắt thép, lọc hóa dầu; hạn chế bằng cách chọn lựa nhà đầu tư và công nghệ hiện đại thực hiện một số dự án nhiệt điện than, khí…

Nhưng quan trọng hơn, khi Việt Nam đã từng rất thành công trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thâm dụng lao động, như dệt may, da giày, các ngành gia công chế biến, chế tạo…, và hiện tại, một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam vẫn là nguồn nhân lực, thì có nên tiếp tục thu hút đầu tư vào những ngành này nữa không?

Câu trả lời được một lãnh đạo của Samsung Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư là vẫn nên. Lý do là, các quốc gia thường thu hút FDI không chỉ trong trường hợp cần chuyển giao công nghệ, cần nguồn vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của doanh nghiệp trong nước, mà còn cần cả trong những lĩnh vực gia công có nguồn nhân lực dư thừa. “Với Việt Nam, cả 3 hình thức trên đều cần thiết cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Đừng chê bai những dự án gia công, bởi nếu không có những dự án tạo ra nhiều việc làm với yêu cầu trình độ và tay nghề giản đơn như vậy, thì số phận của những công nhân đó và gia đình họ sẽ như thế nào?”, vị này nói.

Trên thực tế, các chuyên gia của WB cũng cho rằng, dù có rất nhiều ngành cần ưu tiên thu hút FDI trong giai đoạn tới, nhưng cũng không được “quên đi” những loại hình FDI cơ bản, những lĩnh vực đã làm nên thành công của Việt Nam trong thu hút FDI.

“Chẳng hạn nông nghiệp, hay những lĩnh vực sản xuất cơ bản vẫn rất cần thiết. Cùng với việc thu hút FDI chất lượng cao vào những thành phố lớn, thì vẫn cần thu hút FDI vào những ngành cơ bản, cả dệt may, da giày ở các địa phương ở xa, những nơi vẫn cần giải quyết việc làm”, ông Simon nói.

Liên quan vấn đề này, ông Simon cũng cho rằng, khi so sánh với một số quốc gia khác, có thể thấy, thu hút FDI của Việt Nam chưa đồng đều giữa các địa phương. “Vẫn còn những tỉnh thu nhập thấp, ít thu hút được FDI, nên định hướng cho các địa phương này thu hút đầu tư vào những lĩnh vực đầu tư truyền thống, để có được bức tranh đồng đều và cân bằng hơn”, ông Simon nói.

Tin liên quan
Tin khác