Chống không xuể
Hàng hóa nhập lậu qua biên giới các tỉnh Tây Nam Bộ diễn ra trên diện rộng khó kiểm soát. Mặt hàng nhập lậu nhiều và tăng so với cùng kỳ là thuốc lá và đường cát Thái Lan.
| ||
Chưa có các biện pháp hữu hiệu để chống buôn lậu khu vực biên giới Tây Nam Bộ |
Tại khu vực biên giới Tây Ninh, hàng hóa nhập lậu tập trung tại khu vực Kênh Rạch Tràm giáp ranh với huyện Đức Huệ, Đức Hòa (Long An), xã Thành Long, Bình Thạnh, An Thạnh thuộc các huyện Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng (Tây Ninh).
Ở khu vực biên giới tỉnh Long An, hàng hóa nhập lậu qua các xã Mỹ Quí Tây, Mỹ Quý Đông, Bình Thạnh, Bình Thành, Bình Hòa Nam thuộc huyện Đức Huệ.
Trong khi đó, khu vực biên giới An Giang, hàng nhập lậu diễn ra nhiều tại khu vực gò Tà Mâu, khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, cống Cây Dương, Cây Mít, Cống 23, khu vực cửa khẩu Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Xương…
Khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang, hàng hóa nhập lậu diễn ra tại khu vực bến Xuồng TX Hà Tiên, khu vực cửa khẩu Giang Thành, Bãi Thơm, Gành Dầu thuộc huyện Phú Quốc.
Khu vực biên giới Đồng Tháp, hàng hóa nhập lậu diễn ra tại khu vực cửa khẩu Thường Phước, Thông Bình, Dinh Bà.
Khu vực biên giới tỉnh Bình Phước, buôn lậu thường diễn ra tại cửa khẩu Hoa Lư, Hoàng Diệu…
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu cũng hết sức tinh vi, sử dụng phương tiện vận chuyển có tốc độ cao, nguồn gốc phương tiện không rõ ràng để vận chuyển hàng lậu. Khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện các đối tượng sẵn sàng vứt bỏ phương tiện thoát thân.
Đường nhập lậu sau khi nhập vào được thay đổi bao bì nhản mác trở thành đường nội địa để mang đi tiêu thụ. Thuốc lá sau khi nhập vào sẽ được dự trữ ơ nơi bí mật và dần dần phân phối lại. Hầu hết đối tượng trực tiếp vận chuyển hàng lậu là lao động nghèo được các đầu nậu thuê mướn. Khi lực lượng chống buôn lậu phát hiện, bắt giữ nhưng rất khó xử lý vì những người trực tiếp vận chuyển đa phần có hoàn cảnh rất khó khăn.
Ông Phan Lợi, Chi cục trưởng chi cục quản lý thị trường (CCQLTT) tỉnh An Giang cho biết, thuốc lá đường cát tăng giảm tùy thuộc giá cả thị trường, cường độ tuần tra của ngành chức năng. Mùa cao điểm nhập lậu đường cát từ tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 5 năm sau. Vào mùa cao điểm CCQLTT phối hợp cùng Hải quan, Thuế thành lập 7 chốt với 75 cán bộ chia ca trực 24/24 nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để buôn lậu đường vì các đối tượng thường dùng ghe trọng tải lớn làm kho lưu động trên sông và thay đổi bao bì, hợp thức hóa hàng hóa bằng hóa đơn gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu. Thuốc lá nhập lậu hành vi ngày càng tinh vi, các đối tượng thường chia nhỏ dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự để vận chuyển. Đặc biệt có trường hợp dùng xe ô tô đắc tiền để vận chuyển thuốc lá lậu quy mô lớn.
Đại diện lực lượng QLTT các địa phương cũng phản ánh, thực trạng chống buôn lậu như “đá ném ao bèo”, khi tăng cường tuần tra thì giảm, cường độ tuần tra giảm thì buôn lậu lại bùng phát trở lại.
Chống buôn lậu tiếp tục gặp khó khăn
Theo đại diện CCQLTT tỉnh Đồng Tháp, 3 giải pháp cơ cơ lâu dài để chống hàng nhập lậu là phải đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế các mặt hàng nhập lậu, hướng dẫn tiêu dùng và tăng cường công tác phòng chống buôn lậu.Tuy nhiên, đối với mặt hàng thuốc lá không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng nên không thể sản xuất để hạn chế nhập lậu.
Tổng thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam ông Pham Kiến Nghiệp cho biết, sản xuất thuốc lá chỉ thu 3% lợi nhuận trong khi nhập lậu đạt lợi siêu lợi nhuận 300%. Các nhà máy thuốc lá trong nước có thể sản xuất ra hàng hóa chất lượng ngang với thuốc nhập lậu nhưng giá bán phải cao hơn vì phải chịu các khoảng thuế theo quy định nên cũng khó mà cạnh tranh được so với hàng lậu.
Đại diện sở Công Thương các địa phương cho rằng, sản xuất đường trong nước được đánh giá là yếu hơn, giá thành cao hơn so với Thái Lan. Mặt khác, đường nhập lậu không phải chịu bất kỳ loại thuế nào nên giá cả tất yếu phải rẽ hơn so với đường sản xuất trong nước, do đó đường nhập lậu vẫn còn “đất dụng võ” dài dài.
Từ tháng 8 trở đi, tại khu vực biên giới các tỉnh An Giang Đồng Tháp là mùa nước nổi, đây cũng là thời điểm buôn lậu bằng phương tiện thủy bùng phát, khó kiểm soát.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT các tỉnh, thành Nam Bộ đã kiểm tra 22.636 vụ, phát hiện xử lý 11.107 vụ buôn lậu và kinh doanh hàng cấm, trị giá hàng cấm hàng nhập lậu trên 88 tỷ đồng, đã lập biên bản xử phạt 2.869 vụ với tổng số tiền phạt gần 9 tỷ đồng. Tổng số tiền xử phạt trên các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả kém chất lượng, vi phạm quyền sở hửu trí tuệ, đầu cơ găm hàng…thuộc địa bàn các tỉnh Nam bộ lên đến hơn 76 tỷ đồng. |
Phú Khởi