Tài chính - Chứng khoán
Chống lại rủi ro nợ công phải thúc đẩy thị trường vốn
Victoria Kwakwa - 21/02/2015 15:50
Theo những phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), nợ công của Việt Nam hiện vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng Việt Nam cần kiểm soát tốt tình hình vay nợ, để đảm bảo cho mục tiêu phát triển lâu dài của quốc gia.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kiên quyết loại bỏ dự án kém hiệu quả để giảm nợ công
Hóa giải lo ngại về nợ công
Phải kiểm soát được tốc độ nợ xấu phát sinh

Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Nợ công là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước trong những tháng cuối năm 2014. Nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu Việt Nam có phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai? Câu trả lời của tôi là “không”, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể lờ đi tốc độ gia tăng nhanh chóng của nợ công. Với những nhu cầu vốn rất lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ tính riêng cho ngành năng lượng đã vào khoảng trên 50 tỷ USD trong giai đoạn 2014 - 2020, Việt Nam cần phải đảm bảo rằng mình có thể tiếp cận được tín dụng để đầu tư lâu dài cho nền kinh tế và con người Việt Nam.

Chúng ta đều biết rõ những đặc điểm của các quốc gia đi vay nợ quá lớn. Trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh, chính phủ những nước đó dễ dàng đi vay và điều này làm cho chi tiêu công dễ dàng tăng cao. Nhưng khi nền kinh tế suy giảm, hay tệ hơn là gặp một cú sốc, các quốc gia này có thể rơi vào tình trạng túng quẫn, do nguồn thu ngân sách quốc gia giảm, dẫn tới thâm hụt tài chính quốc gia đột ngột tăng lên. Khi có khó khăn về cân đối ngân sách, các chính phủ này bắt đầu thắt chặt chi tiêu và hậu quả là cắt giảm đầu tư vào những dự cơ sở hạ tầng thiết yếu, nền tảng để tạo ra triển vọng kinh tế tăng trưởng trong dài hạn.

 

Vậy nợ công của Việt Nam đang đứng ở đâu? Dựa trên phân tích tình hình ổn định nợ 2014 do Ngân hàng Thế giới thực hiện thì nợ công của Việt Nam vẫn nằm ở mức thấp trong thang đánh giá rủi ro nợ công, nhưng Việt Nam có thể sẽ gặp phải một số vấn đề và cần thực hiện một số điều chỉnh cần thiết.

Tin tốt là tỷ lệ nợ công vẫn được duy trì ở mức có thể kiểm soát được. Thanh toán lãi vay của Chính phủ giữ ở mức dưới 2% GDP. Tỷ lệ vay nợ nước ngoài duy trì ở mức 29% GDP trong 5 năm vừa qua. Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không có sự thay đổi trong giai đoạn này và phần lớn có các điều kiện vay rất ưu đãi. Trên thực tế, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP được dự kiến sẽ giảm trong dài hạn. Nói tóm lại, đến nay, chưa xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo về tình trạng vay nợ quốc gia của Việt Nam vượt ngưỡng an toàn.

 

Tuy nhiên, nợ trong nước lại tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây và bắt đầu gây ra một số quan ngại. Nguyên do chủ yếu là thâm hụt ngân sách đã tăng từ mức 1,1% GDP năm 2011 lên trên 5% trong ba năm sau đó. Tổng nợ công hiện đang ở mức trên 60% GDP, tăng 10 điểm phần trăm kể từ năm 2011. Nếu như Chính phủ Việt Nam không từng bước điều chỉnh tỷ lệ vay nợ này, rủi ro có thể sẽ tăng nhanh.

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam cũng tồn tại những rủi ro khác đối với nợ công. Đó là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao, những bất ổn của thị trường tài chính có thể tạo thêm gánh nặng cho ngân sách quốc gia, đẩy nợ công tăng lên, vượt ngưỡng có thể chấp nhận được hiện nay.

Chính phủ Việt Nam đang nhìn nhận việc tăng vay nợ quốc gia như một tất yếu để thực hiện các khoản đầu tư công và điều này hoàn toàn đúng đắn. Đầu tư vào nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng là cần thiết cho tương lai lâu dài của một quốc gia. Tuy vậy, Chính phủ cũng nhận ra rằng, nếu không cân đối tốt việc thu - chi ngân sách, thì tăng vay nợ để bù đắp hụt chi sẽ tạo ra rủi ro. Nói một cách đơn giản, thâm hụt chi tiêu ngân sách của Viêt Nam giữ được ở mức hiện tại càng lâu thì việc điều chỉnh về sau này sẽ càng khó khăn hơn. 

 

Nhưng để duy trì tỷ lệ nợ công ổn định, không chỉ là vấn đề cắt giảm chi tiêu ngân sách. “Phòng tuyến” trước tiên có thể giúp chống lại rủi ro nợ công chính là thúc đẩy các thị trường vốn của quốc gia phát triển.

Lấy ví dụ, bằng cách đa dạng hóa các thị trường tài chính, quốc gia này có thể gửi tới những nhà mua nợ những thông điệp rõ ràng hơn về rủi ro trong danh mục đầu tư của mình. Một phương thức khác là nâng thời hạn phát hành trái phiếu chính phủ - tạo ra cho nợ công một thời hạn đầu tư lâu dài hơn đối với những đối tượng mua nợ và giảm rủi ro cho những đối tượng nộp thuế. Bộ Tài chính hiện đang triển khai cả hai chiến lược này. Bộ Tài chính cũng có thể tăng cường hiệu quả của phương thức này bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu, đưa ra nhiều lợi ích hơn cho các nhà đầu tư dài hạn và giảm sự phụ thuộc và các ngân hàng thương mại, nhằm củng cố thị trường trái phiếu tại Việt Nam.

 

Chính phủ cũng có thể hỗ trợ bằng cách tiếp tục tăng cường khung thể chế và luật pháp về ngân sách nhà nước và nợ công. Một việc rất quan trọng đối với vấn đề này là thông qua chiến lược nợ trung hạn, trong đó đưa ra kế hoạch vay nợ của Chính phủ dựa trên một đánh giá chi phí và rủi ro của các loại nợ khác nhau.

Cuối cùng, tiếp tục tái cơ cấu các ngân hàng và doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước sẽ giúp giảm bớt các nghĩa vụ nợ tiềm tàng của Nhà nước. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã dạy cho chúng ta bài học rằng, các cuộc khủng hoảng tài chính gây ra những tác động dài hạn lớn nhất lên một nền kinh tế. Một hệ thống ngân hàng hiệu quả và mạnh mẽ chính là một tấm đệm quan trọng giúp chống tại những rủi ro này. Nói tóm lại, quản lý rủi ro nợ công hôm nay sẽ mang lại những lợi ích to lớn ngày mai.

Bà Eugenia Fabon Victorino, Chuyên gia kinh tế ANZ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm bớt trong thời gian gần đây. Điều này phần nào thể hiện qua việc Chính phủ đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 là 13 - 15%. Đồng thời, Chính phủ để ngỏ tín hiệu rằng, con số này có thể được điều chỉnh tăng lên đến 17% nếu như đến tháng 6/2015 có những dấu hiệu tích cực hơn.

Chúng tôi cho rằng, nhu cầu tín dụng đối với cả nền kinh tế sẽ tăng lên. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn thời gian qua vẫn chưa đủ cơ hội tiếp cận với nguồn vốn mà họ cần có. Dẫu sao, nhìn vào bức tranh tổng thể, nợ xấu dường như cũng đã chạm đáy nên chúng tôi đưa ra một dự báo khá lạc quan là GDP 2015 tăng trưởng 6,2%. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, câu chuyện nợ của nền kinh tế, giải quyết được cần mất nhiều thời gian chứ không thể kỳ vọng xử lý hết được trong vòng một vài năm. Kinh nghiệm cho thấy, cần ít nhất mất 10 năm mới có thể giải quyết hết được các vấn đề liên quan đến nợ xấu.

Không điều chỉnh tỷ giá, chuyện gì sẽ xảy ra?

() Nếu không tăng tỷ giá ngay từ đầu năm, người dân sẽ có tâm lý đầu cơ vào tỷ giá. Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng có thể lỡ cơ hội vàng.

Nợ công của Việt Nam: Sự lo ngại có bị thổi phồng?

() Những rủi ro tiềm ẩn của nợ công luôn là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới trong suốt một thời gian dài. Vấn đề được đưa ra là, liệu nợ công có tương đồng với tăng trưởng của nền kinh tế?

IMF: Cải cách chậm sẽ làm suy yếu lòng tin

() Ông Sanjay Kalra, Đại diện Thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cảnh báo, cải cách chậm sẽ làm suy yếu lòng tin, làm cho nợ công cao hơn, kéo dài sự trì trệ về năng suất.

Áp lực trả nợ giai đoạn 2015-2016 rất cao

() Tiếp tục chương trình thảo luận tại hội trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã hé mở phần nào câu chuyện được cử tri và Quốc hội quan tâm: Nợ công đã đến ngưỡng nguy hiểm.

Tin liên quan
Tin khác