Tổng công ty VIDIFI bắt đầu áp dụng thu phí không dừng tại hai làn giữa tại các trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh |
Không thể trì hoãn
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng giai đoạn II (Dự án BOO2) vừa diễn ra vào đầu tuần này.
Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại các trạm thu phí BOT đường bộ là chủ trương lớn, là quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên yêu cầu, chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn II (BOO2) được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 505/QĐ-BGTVT ngày 15/3/2018. Dự án gồm 33 trạm, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi và đã lựa chọn Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện dự án; tuy nhiên, hiện nay Liên danh Nhà đầu tư chưa thành lập được Doanh nghiệp dự án.
Gần đây nhất, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 24/12/2019, Thủ tướng đã yêu cầu trong năm 2020 phải triển khai hoạt động thu phí tự động đối với các trạm BOT thuộc Dự án BOO2 có tổng mức đầu tư 1.234 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GTVT, cho đến nay, việc triển khai Dự án vẫn đang có nhiều vướng mắc, không bảo đảm lộ trình đề ra. Trong đó, nguyên nhân chính đến từ Liên danh nhà đầu tư Viettel - Vietinf - VVT - ITD được Tổng cục Đường bộ Việt Nam lựa chọn là nhà đầu tư và đã ký Hợp đồng thực hiện Dự án BOO2 vào ngày 5/7/2019. Đến nay, sau hơn 7 tháng, nhà đầu tư đã không thực hiện được biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng, không thành lập được doanh nghiệp dự án theo quy định và không triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ (hoàn thành trước ngày 31/12/2019).
Được biết, trong hồ sơ dự thầu, Viettel đã thống nhất với 3 nhà đầu tư trong liên danh là sẽ nắm 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, Bộ Quốc phòng và Viettel lại muốn nắm tới 65% vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án. Sự thay đổi này không nhận được sự chấp thuận của các thành viên trong liên danh còn lại khiến Dự án BOO2 chậm được triển khai.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao Bộ GTVT đã nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm; các đối tác tham gia dự án đã bàn bạc, đi đến thống nhất trong việc triển khai dự án.
“Bộ GTVT và các đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội một cách toàn diện về việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng thời gian qua cũng như khẳng định quyết tâm và những giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 08/TB - VPCP (ngày 9/1/2020), hoàn thành giai đoạn II việc thu phí sử dụng đường bộ bằng hình thức điện tử không dừng trên toàn quốc ngay trong năm 2020.
Viettel quyết tâm hoàn thành dự án
Điểm tích cực đối với Dự án BOO 2 là đến sát thời điểm cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra, Bộ GTVT đã thúc đẩy để thành lập xong một liên danh, trong đó Tập đoàn Viettel góp 86% vốn để thực hiện lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại 33 trạm thu phí trên một số tuyến quốc lộ và đường cao tốc.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Bộ GTVT, Viettel trong việc tháo gỡ các vướng mắc để triển khai Dự án BOO2 theo đúng chỉ đạo.
Cụ thể, trong đề xuất mới nhất gửi cơ quan chức năng, các thành viên trong liên danh đã thống nhất điều chỉnh danh sách cổ đông sáng lập doanh nghiệp dự án với tỷ lệ vốn góp trong doanh nghiệp dự án mới lần này là Viettel (86%), Vietinf (12%) và ITD (2%), đồng thời thống nhất các nguyên tắc cơ bản về cơ chế tổ chức, điều hành doanh nghiệp dự án.
Viettel cũng kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép liên danh, doanh nghiệp dự án đề xuất điều chỉnh công nghệ và phương án tài chính trên nguyên tắc tốt hơn và không ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.
Nhà đầu tư số 1 Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin khẳng định, nếu chủ trương doanh nghiệp dự án được phê duyệt trước tháng 4/2020, Viettel chắc chắn sẽ hoàn thành Dự án BOO2 trong năm 2020. Đồng thời, Viettel cho biết là đã nghiên cứu, tìm hiểu và sẽ áp dụng công nghệ mới để phục vụ cho phát triển giao thông thông minh trong tương lai.