Triển khai thu phí tự động không dừng là giải pháp tối ưu đã minh bạch hóa. |
Cần phải nói thêm rằng, việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng để thay thế cho phương thức thu phí thủ công, một dừng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ hết sức cần thiết, nhằm tạo sự minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống thu phí tự động còn góp phần quản lý chặt chẽ phương tiện giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và giữ gìn trật tự xã hội.
Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng không đạt kế hoạch, có sự lúng túng trong triển khai, chưa đạt yêu cầu về tiến độ đã đề ra.
Các dự án Thu phí tự động giai đoạn I (Dự án BOO1) và Thu phí tự động giai đoạn II (Dự án BOO2) còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm.
Thực trạng trên đã ảnh hưởng xấu đến tiến độ triển khai toàn hệ thống thu phí tự động, tạo dư luận xấu trong nhân dân. Ngoài ra, phương án triển khai thu phí các dự án theo hình thức xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) thuộc địa phương quản lý cũng chưa được xây dựng và triển khai trên thực tế. Vì lẽ đó, việc sớm xây dựng kế hoạch có tính khả thi cao và có giải pháp quyết liệt để không xuất hiện thêm một lần thất hứa về tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng sẽ phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ GTVT trong 6 tháng đầu năm 2020.
Việc chậm triển khai hệ thống thu phí mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện dự án. Mặc dù vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các bộ, ngành trong thiết lập các hệ thống thu phí tự động không dừng, thành bại của 2 dự án còn phụ thuộc rất nhiều vào các chủ ô tô - những người, về lý thuyết, được hưởng lợi nhiều nhất.
Thời gian qua, dù công tác tuyên truyền đã được làm thường xuyên, nhà đầu tư dự án đã quan tâm hỗ trợ chủ phương tiện dán thẻ miễn phí, nhưng đến cuối tháng 12/2019, số lượng phương tiện dán thẻ (e-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng trên cả nước mới chỉ đạt 900.000 thẻ/3,5 triệu xe ô tô - chủ yếu là chủ xe vận tải hàng hóa và hành khách. Họ dùng dịch vụ thu phí không dừng vì quá tiện lợi, xe không phải xếp hàng khi qua trạm, hạn chế được tài xế gian lận phí... Trong khi đó, phần lớn các xe du lịch, trong đó có nhiều xe công thuộc các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang đứng ngoài cuộc.
Được biết, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương yêu cầu các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gương mẫu dán thẻ và tham gia dịch vụ thu phí không dừng đối với tất cả các phương tiện do mình quản lý để tăng cường hiệu quả hệ thống thu phí tự động không dừng. Đồng thời, tiến hành xử phạt xe không dán thẻ cố tình đi vào làn thu phí không dừng.
Giải pháp cưỡng bức này là cần thiết, song khó mang lại hiệu quả cao nếu nhóm giải pháp mang tính kinh tế như khuyến mãi, giảm phí, tính lãi suất tiền gửi... khi gắn thẻ, nộp tiền vào tài khoản thu phí tự động chưa được nhắc tới.
Nếu không có các giải pháp cụ thể, thiết thực, thì những lợi ích từ chủ trương thu phí tự động không dừng vẫn sẽ chỉ nằm trên giấy khi không nhận được sự hưởng ứng, cộng hưởng từ chính các chủ phương tiện. Với những giải pháp này, sự vào cuộc của một mình Bộ GTVT là không đủ để thay đổi tình hình, đặc biệt khi xu hướng không sử dụng tiền mặt trong các hoạt động giao dịch kinh tế tại Việt Nam còn rất phổ biến.
Ở chiều ngược lại, triển khai thu phí tự động không dừng là giải pháp tối ưu đã minh bạch hóa - điều mà người dân luôn đòi hỏi mỗi khi qua các trạm thu phí hoàn vốn BOT. Nhưng một khi các biện pháp này không nhận được sự chung tay hưởng ứng của các chủ xe, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đơn độc, thì những bức xúc trong xã hộ với nhiều dự án BOT sẽ khó có thể khép lại trong tương lai gần.