Thời sự
Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn
Quang Hưng - 03/12/2020 13:57
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ ủng hộ mọi giải pháp để các địa phương nâng cao đời sống người dân, giữ vững chủ quyền, biên giới tổ quốc.

Sáng ngày 3/12, tại TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020, định hướng giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, cả nước hiện có 20.139 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 1.957 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 292 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển, 85 huyện nghèo (trong đó có 83 huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và 2 huyện thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Trong đó, số xã đặc biệt khó khăn ở 55/63 tỉnh, chủ yếu thuộc vùng miền núi phía Bắc).

.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 khoảng 791.909 tỷ đồng, (cả nước là 2.079.819 tỷ đồng), bằng 38,1% tổng vốn huy động của cả nước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 109.730 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác: 122.884 tỷ đồng (15,5%), vốn tín dụng: 507.848 tỷ đồng (64,1%), doanh nghiệp đóng góp 16.345 tỷ đồng (2,1%), cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp: 35.102 tỷ đồng (4,4%) chủ yếu là hiến đất, đóng góp vật liệu xây dựng và ngày công lao động.

Kết quả thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 (tính đến tháng 11/2020): cả nước có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30A thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020 khoảng 32 huyện (50%) thoát khỏi huyện nghèo nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được chú trọng, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong đó có 80% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc thảm bê tông.

Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn. Chất lượng điện ở nông thôn ngày càng được nâng cao, ổn định, tổn thất điện ngày càng giảm, cơ bản đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ, kể cả công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở những huyện vùng cao. Đặc biệt, là chú trọng đầu tư cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, các xã đảo, huyện đảo nhằm góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và đảm bảo an ninh trật tự xã hội cũng như góp phần mang ánh sáng và thông tin của Đảng và Nhà nước đến với người dân.

Mô hình homestay của gia đình bà Hoàng Thị Phượng, thôn Đêu 3, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái mỗi năm giải quyết việc làm cho 15 - 20 lao động với mức thu nhập ổn định.

Hệ thống trường mầm non và trường phổ thông các cấp được quy hoạch lại, bảo đảm phù hợp với sự biến động về số lượng học sinh. Có 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo. Một số địa phương ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa ưu tiên xây dựng các điểm trường mầm non, điểm trường tiểu học tạo thuận lợi cho trẻ được đi học. 100% trung tâm học tập cộng đồng đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân.

Trước đó, để làm rõ những vấn đề đặt ra với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn, Ban Tổ chức Hội nghị cũng đã tiến hành các hội thảo chuyên đề “Xây dựng mô hình sinh kế giúp nâng cao thu nhập cho người dân ở thôn, bản, ấp vùng đặc biệt khó khăn” và “Xây dựng mô hình nông thôn mới thôn, bản, ấp vùng đặc biệt khó khăn phát triển bền vững gắn với bảo vệ, giữ vững an ninh, quốc phòng”.

Ông Nguyễn Quế Anh (thứ 4, từ phải qua), Chủ tịch HĐQT Công ty Quế hồi Việt Nam giới thiệu mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm quế tại huyện Chấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, việc nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho vùng đặc biệt khó khăn là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Các mô hình du lịch cộng đồng không chỉ phát triển du lịch mà có có thể phối kết hợp với các làng nghề thủ công mỹ nghệ để phát triển kinh tế, đồng thời lan tỏa các nét đẹp văn bản địa.

Điển hình như ở xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái) có các điểm du lịch cộng đồng, du lịch homestay thu hút được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Mô hình đem thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng cho chủ hộ và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 4 – 6 triệu đồng/tháng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên phải), Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy (thứ 2 từ phải qua) thăm mô hình chế biến miến rong Giới Phiên, tp. Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện tạo sinh kế bền vững cho người dân, xây dựng nông thôn mới nông thôn mới bền vững, đồng thời đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây cũng là một trong những hướng đi quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, đồng thời, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn.

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, mỗi vùng đặc biệt khó khăn đều có những lợi thế riêng, đó có thể là sự đa dạng về khí hậu, tài nguyên rừng, sản phẩm đặc sản địa phương, bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng, phát triển kinh tế du lịch. phát triển du lịch cộng đồng phải lấy con người làm chủ thể, đào tạo, tập huấn để người dân địa phương có thể giới thiệu, quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, phát triển du lịch cần gắn với các chương trình Nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

“Trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã quan tâm đến phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đã đem lại nguồn thu cho người dân, đóng góp nhất định cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này còn nhỏ lẻ và chưa được đầu tư đúng mức”, bà Ngô Thị Phương Lan nói.

Trao đổi về vấn đề này, TS.Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần phát huy “5 vốn” bao gồm: vốn con người, vốn xã hội, vốn tự nhiên, vốn vật chất, vốn tài chính để góp phần cải thiện đời sống của người dân và nâng “chất” nông thôn mới. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý phát huy tính chất cộng đồng theo từng thôn, bản chính là phát huy những nét đặc trưng bản địa của khu vực miền núi phía Bắc, đồng thời có cách tiếp cận phù hợp trong xây dựng nông thôn mới tại khu vực này. Đó là cải thiện sinh kế, hạ tầng, môi trường gắn liền với phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng thôn, bản sẽ là cơ sở để góp phần từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

“Kinh nghiệm thành công ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã chứng minh, muốn phát triển cộng đồng hiệu quả, bền vững, cần phải dựa trên nội lực và thúc đẩy tính tự chủ của cộng đồng. Nếu như các khoản đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ chỉ tập trung bù đắp các nhu cầu, những khoảng trống còn thiếu hụt so với chỉ tiêu mong đợi, thì khi giải quyết được khó khăn này sẽ lại nảy sinh những khó khăn khác, và những khó khăn sẽ không bao giờ kết thúc, cộng đồng sẽ luôn thụ động trông đợi vào sự hỗ trợ từ bên ngoài (thực tế các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo ở Việt Nam cũng rơi vào tình trạng này trong suốt nhiều năm qua, ở nhiều địa phương còn tồn tại tâm lý không muốn thoát nghèo để được hỗ trợ; tương tự trong xây dựng nông thôn mới cũng gặp tình trạng đầu tư dàn trải để bù đắp các thiết hụt về tiêu chí nông thôn mới, còn đầu tư tập trung lại dẫn đến thiếu công bằng trong phân bổ nguồn lực). Ngược lại, nếu như kết hợp hiệu quả giữa hỗ trợ từ bên ngoài với sự tham gia tích cực của cộng đồng, khơi dậy những nội lực sẵn có của cộng đồng, thì những khó khăn sẽ mất dần đi và nhường chỗ cho những niềm tin và tinh thần chủ động, hợp tác phát triển”, ông Trần Công Thắng chia sẻ.

Sau khi thực tế các mô hình kinh tế, các tấm gương phát triển sản xuất, du lịch cộng đồng tại nhiều địa phương vùng đặc biệt  khó khăn, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, phát biểu chỉ đạo Hội nghị Thực tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc tiếp tục hỗ trợ các địa phương vùng đặc biệt khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập, về kinh tế - xã hội so với các vùng, miền khác của cả nước trong giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của các Bộ, ngành trung ương, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự hưởng ứng, tham gia của mỗi người dân địa phương.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Trong đó, công tác xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, vùng, miền, không nên máy móc áp dụng các kinh nghiệm và mô hình, không nhất thiết xây dựng bằng được xã đạt chuẩn nông thôn mới mà có thể trước mắt tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Chính quyền các địa phương nghiên cứu trình Chính phủ xem xét tăng kinh phí hỗ trợ cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng để người dân có thu nhập ổn định, phát triển các sản phẩm từ rừng. Đối với vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, chú trọng phát triển kinh tế biển (nuôi trồng hải sản, du lịch biển..); Đồng thời, nhân rộng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trên địa bàn nông thôn gắn với củng cố quốc phòng và giữ vững, bảo vệ chủ quyền, biên giới của Tổ quốc.

“Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu cách thức lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là: Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đạt kết quả cuối cùng là nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giữ vững chủ quyền, biên giới tổ quốc”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác