Quang cảnh hội nghị tổng kết năm cuối cùng của Bộ GTVT sau 79 năm thành lập trước khi hợp nhất với Bộ Xây dựng. |
Đây là đánh giá của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành GTVT diễn ra vào chiều nay 30/12.
“Tôi có cảm xúc rất đặc biệt khi tham dự Hội nghị tổng kết của ngành GTVT - hội nghị có tính lịch sử khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới. Trong đó ngành GTVT sau gần 80 năm xây dựng phát triển cũng sẽ bước vào thời kỳ mới", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, tới đây, Bộ GTVT sẽ có mô hình tổ chức mới khi được tích hợp đồng bộ giữa vấn đề giao thông với vấn đề xây dựng đô thị và nông thôn. Đây là sự thay đổi theo chiều hướng mạnh lên, đồng bộ hơn, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu quả" theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
"Với sứ mệnh đi trước mở đường, ngành GTVT là ngành tạo ra sự kết nối của các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương và các quốc gia. Dù ở bất cứ mô hình tổ chức nào, ngành GTVT vẫn có sự mệnh quan trọng trong sự phát triển của đất nước", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.
Theo Phó thủ tướng, trong kết quả chung của đất nước năm 2024, có nỗ lực, đóng góp quan trọng, không mệt mỏi của ngành GTVT với vai trò và truyền thống “đi trước mở đường”, đã mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.
Nếu trong gần 20 năm (từ năm 2021 trở về trước), cả nước mới đầu tư gần 1.200 km đường bộ cao tốc thì từ 2021 đến nay, tổng chiều dài cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác đạt gần 900 km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc tính đến cuối năm 2024 lên 2.021km.
Bộ GTVT cũng hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với chất lượng, có tính thuyết phục cao và đã được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng đã phối hợp chặt chẽ với TP.HCM, TP. Hà Nội hoàn thiện để trình Chính phủ cho ý kiến Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của 2 địa phương.
"Đây là các đề án rất quan trọng, mang tính chiến lược dài, mở ra không gian, kết nối liên vùng, kết nối các hệ sinh thái kinh tế; đặt nền móng cho các ngành công nghiệp đường sắt; tạo thế và lực để đất nước vươn mình", Phó thủ tướng nêu rõ và lưu ý Bộ GTVT cần chủ động đón nhận cơ hội, đi đầu trong phát triển ngành công nghiệp, nhất là cơ hội từ dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những điểm sáng của ngành GTVT năm 2024.
Cụ thể, Bộ GTVT đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về Đề án đầu tư Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 tháng 11 vừa qua; bên cạnh đó, Bộ GTVT đồng thời phối hợp chặt chẽ với TP.HCM, TP. Hà Nội chuẩn bị bài bản, công phu, khoa học tiếp thu kết luận của Thường trực Chính phủ, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị thông qua Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của 2 thành phố.
Trong năm 2024, Bộ GTVT đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam, đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng.
Trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Tiến độ các dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, dự án Nhà ga hành khách T3- Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn nhất cơ bản được bảo đảm, đặc biệt Dự án thành phần 2, Dự án thành phần 3 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành có nhiều hạng mục vượt kế hoạch.
Về đường sắt, ngoài việc đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Bộ GTVT đang tích cực triển khai Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025.
Với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu các chủ thể liên quan trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải đi đôi với kết quả thực chất là sản lượng trên công trường.
Năm 2024, Bộ GTVT đã được được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (trong đó 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo kế hoạch năm 2024, 4.193 tỷ được giao bổ sung từ tháng 11/2024).
“Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết.