Y tế - Sức khỏe
Chủ động ứng phó biến chủng Omicron; Kiểm soát chặt việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19
D. Ngân - 18/12/2021 16:33
Tại Việt Nam, trong khi đợt bùng phát bởi biến chủng Delta chưa “hạ nhiệt”, Omicron càng trở thành nguy cơ khiến nhiều người dân lo lắng, đặc biệt ở TP.HCM.

Chủ động ứng phó với biến chủng mới Omicron

Nhiều ngày qua, sự xuất hiện của biến chủng B.1.1.529 với tên gọi Omicron đang khiến cả thế giới lo ngại. Nhiều nước áp đặt lệnh hạn chế và nâng mức cảnh báo cao nhất với biến chủng được WHO xếp vào nhóm “đáng lo ngại” này.

Trong giai đoạn này, việc nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, điều trị F0 là vấn đề mấu chốt.

Tại Việt Nam, trong khi đợt bùng phát bởi biến chủng Delta chưa “hạ nhiệt”, Omicron càng trở thành nguy cơ khiến nhiều người dân lo lắng, đặc biệt ở TP.HCM.

Mới đây, Bộ Y tế vừa chính thức điều chỉnh thời gian cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin. Quy định này khiến nhiều người bày tỏ lo ngại trong bối cảnh biến chủng Omicron có thể từ người trở về nước ngoài và xâm nhập trong cộng đồng.

Tuy vậy theo ý kiến của bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), quy định cách ly 3 ngày tại nơi lưu trú với người nhập cảnh (đạt đủ điều kiện về xét nghiệm, vắc-xin) là hợp lý và cần thiết để hòa nhập quốc tế.

Theo bác sĩ Khanh, biến chủng mới không chỉ xâm nhập qua duy nhất đường hàng không mà còn rất nhiều con đường khác. 

Bởi chỉ khoảng một tháng, Omicron đã lây lan đến 70 quốc gia. Chuyên gia này cho rằng điều Việt Nam cần làm lúc này là sẵn sàng các kịch bản ứng phó.

Cụ thể, chúng ta cần chuẩn bị tốt yếu tố về dự phòng, vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, nhân lực, sẵn sàng tâm lý đối diện với khó khăn. Sở dĩ như vậy là do sau hơn một năm chống dịch miệt mài, lực lượng y tế cơ sở có phần mệt mỏi.

Về nhân lực, theo chuyên gia các tỉnh cần tăng cường thêm nhân lực cho y tế địa phương, tăng cường bác sĩ từ bệnh viện để vừa hỗ trợ chăm sóc F0, đồng thời hướng dẫn chuyên môn. Ngoài ra, các thủ tục hành chính trong quá trình theo dõi, chăm sóc, điều trị F0 cũng nên được đơn giản hóa. 

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng nhấn mạnh rằng trong giai đoạn này, việc nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở là vấn đề mấu chốt.

Đặc biệt, hệ thống hỗ trợ khám, chữa bệnh và hỗ trợ người bệnh từ xa phải nâng cao hiệu quả hơn nữa tại các tỉnh, thành phố.

Nhằm ứng phó với biến chủng mới có nguy cơ xâm nhập, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết Thành phố đã chỉ đạo ngành Y tế lấy mẫu đánh giá ngẫu nhiên đối với người nhập cảnh để sàng lọc nguy cơ.

"Phải giải trình tự gene, để xem nếu có bất cứ ca nào nhiễm biến chủng Omicron thì ta phải áp dụng biện pháp tăng cường luôn", ông nói.

Thời gian tới, Thành phố sẽ tăng năng lực y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là trạm y tế lưu động, công tác tiếp nhận, điều trị F0 thể nhẹ. 

Người đứng đầu chính quyền Hà Nội nhấn mạnh sẽ chấn chỉnh tình trạng hàng chục nghìn dân mà chỉ có một trạm y tế lưu động, gây quá tải như thời gian qua.

Trong bối cảnh số ca mắc mới và tỷ lệ F0 diễn biến nặng có chiều hướng gia tăng, UBND TP.HCM mới đây đã kiến nghị Bộ Y tế chi viện hơn 3.000 bác sĩ, điều dưỡng. Trong số này có ít nhất 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức, cấp cứu. 

Ngoài ra, Thành phố cũng kiến nghị duy trì hoạt động đối với Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết việc TP.HCM xin hỗ trợ khẩn 3.000 bác sĩ, điều dưỡng nhằm triển khai công tác đối phó trước biến chủng Omicron.

Theo bà Mai, ngành Y tế thành phố cần thực hiện sớm hoạt động xây dựng, triển khai các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 ở cấp huyện và sẵn sàng kích hoạt, đưa vào hoạt động ngay khi có nhu cầu.

Một nỗi lo khác mà ngành Y tế đang phải đối mặt đó là tỷ lệ F0 tử vong có dấu hiệu tăng. Số liệu Bộ Y tế công bố từ 17h30 ngày 16/12 đến 17h30 ngày 17/12, Việt Nam ghi nhận 246 trường hợp tử vong do Covid-19. Trung bình trong 7 ngày qua, số F0 tử vong của cả nước cũng lên tới 243 người.

So sánh với thời điểm dịch bùng phát mạnh mẽ hồi tháng 8, số F0 tử vong vẫn thấp hơn. Dẫu vậy, trong khoảng 1 tháng gần đây, lượng người nhiễm Covid diễn biến nặng và tử vong cũng đang có dấu hiệu tăng nhẹ. Điều này cũng là hệ quả tất yếu khi số ca mắc mới tại Việt Nam tăng cao.

Giải thích về tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết phần lớn ca tử vong tại các tỉnh, thành phía Nam thời gian qua là người trên 50 tuổi có bệnh nền và đa số chưa tiêm vắc-xin.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng trước số lượng ca tử vong do Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, các địa phương cần quản lý chặt chẽ F0, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực của các trung tâm hồi sức điều trị người bệnh Covid-19.

Các tỉnh, thành phố phía Nam cần tăng cường quản lý người trên 50 tuổi có bệnh nền để chủ động giám sát, tiêm vắc-xin, có thể tiêm tại nhà với trường hợp không thể đi lại.

Trong công tác điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý tại tầng điều trị 3 phải tiến hành giám sát các trường hợp tử vong, đánh giá nguyên nhân để có khuyến cáo phù hợp với các bệnh viện.

Kiểm soát chặ việc sử dụng thuốc điều trị Molnupiravir

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho các địa phương đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng.

Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng;

Rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; 

Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. 

Molnupiravir là một thuốc kháng virus, hiện chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. 

Hiện cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (US-FDA) đang xem xét các dữ liệu lâm sàng cho việc quyết định cấp phép lưu hành thuốc tại Hoa Kỳ. 

Tương tự, các quốc gia châu Á trong đó có Ấn Độ cũng đang rà soát các dữ liệu lâm sàng đối với các thuốc được công ty phát minh là MSD nhượng quyền sản xuất cũng như các thuốc chưa được MSD nhượng quyền để xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. 

Do vậy, việc sử dụng thuốc Molnupiravir hiện nay tại Việt Nam được tiến hành thông qua hình thức nghiên cứu tại cộng đồng trong khuôn khổ Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ. 

Việc triển khai Chương trình cần tuân thủ đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt. 

Việc theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá bệnh nhân trong Chương trình được tiến hành bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế theo các tiêu chí an toàn và hiệu quả của đề cương nghiên cứu. 

Bên cạnh đó, do thuốc chưa được cấp phép lưu hành rộng rãi nên việc quản lý thuốc nghiên cứu cần phải hết sức chặt chẽ để tránh thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích nghiên cứu.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin khoa học của thuốc cũng như tình hình cấp phép sử dụng tại các quốc gia làm cơ sở báo cáo với Chính phủ và các cơ quan chức năng cho phép cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất. 

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai Chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải tuân thủ đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt và phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ các tiêu chí an toàn, hiệu quả cũng như quản lý thuốc nghiên cứu để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia Chương trình.

Tin liên quan
Tin khác