Y tế - Sức khỏe
Chủ động ngăn chặn biến chủng Omicron
Dương Ngân - 11/12/2021 14:34
Các biện pháp ứng phó biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 mang tên Omicron đang được tăng cường nhằm tránh rơi vào thế bị động.
Ảnh minh họa

Thông tin còn khan hiếm

GS-TS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, đến nay, biến chủng Omicron chủ yếu ghi nhận ở các nước Nam châu Phi và vẫn chưa có dữ liệu về dịch tễ, khả năng lây lan cũng như độc lực của virus. Tuy nhiên, các dữ liệu ban đầu cho thấy, biến chủng này có nhiều đột biến hơn so với biến thể Delta, dự đoán tốc độ lây lớn hơn nhiều lần so với Delta. Đây là điều rất đáng quan ngại.

Ngoài ra, tác động của đột biến có thể dẫn đến độc lực khác nhau, nếu độc lực mạnh, thì nguy cơ tử vong của người mắc sẽ cao hơn. Chưa kể, vấn đề nguy hiểm nhất mà thế giới đang phải đối mặt chính là lo ngại đột biến virus sẽ chống lại khả năng bảo vệ của vắc-xin.

Theo những thông tin ban đầu, bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng khác với biến thể Delta, cảm thấy mệt mỏi nghiêm trọng, đau đầu và đau nhức cơ thể. Còn khi nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh có các dấu hiệu là ho, sốt (trên 37,5 độ C); đau đầu; đau họng, rát họng; sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi; khó thở; đau ngực, tức ngực; đau mỏi người, đau cơ; mất vị giác; mất khứu giác; đau bụng, buồn nôn; tiêu chảy.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vắc-xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam từ các đối tượng nhập cảnh rất lớn, do vậy, cần kéo dài thời gian cách ly với những người nhập cảnh. Tuy nhiên, về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, hiện chưa có bằng chứng để kéo dài thời gian cách ly phòng, chống dịch.

Bộ Y tế đang phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong công tác phòng, chống Covid-19 và ứng phó với biến chủng mới. Về công tác điều trị, Bộ Y tế và các bên đã bàn bạc theo tinh thần tăng cường năng lực y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, để đẩy mạnh mô hình điều trị tháp 3 tầng. Mỗi người dân cần tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng.

Chủ động các “kịch bản”

Trước những lo ngại biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vắc-xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương, nhất là TP.HCM và các tỉnh phía Nam tăng cường phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Theo đó, các địa phương cần tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa bàn có diễn biến dịch phức tạp; chủ động triển khai biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong. Đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị khẩn trương nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị Covid-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 trong nước.

Về phía ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 với biến chủng này, song Bộ Y tế cũng đã lên kế hoạch để chủ động ứng phó.

Cụ thể, Bộ đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch; yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ chủ động thực hiện giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới...

Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng các tình huống cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đặc biệt, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch; tiếp tục khuyến cáo người dân tuân thủ 5K...

Theo TS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, việc dự phòng và kiểm soát đối với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 là vấn đề mang tính sống còn. Do đó, trong giai đoạn biến chủng mới chưa xuất hiện, công tác chuẩn bị và phòng ngừa phải tăng cường thêm một bậc. Song song với đó, cần định kỳ giải trình tự gen theo tỷ lệ các bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới ghi nhận, nhất là các ổ dịch mới phát sinh, ổ dịch có yếu tố lây từ nước ngoài để không bỏ lọt những chủng virus nguy hiểm.

Trước những ý kiến lo ngại về biến chủng Omicron có thể kháng vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, hiệu quả của vắc-xin Covid-19 hiện nay với biến chủng Omicron vẫn cần được nghiên cứu, nhưng việc tiêm vắc-xin Covid-19 cần khẩn trương bao phủ càng rộng càng tốt để đảm bảo phòng dịch cho cộng đồng.

“Không chỉ với chủng mới Omicron, mà hiện nay, Việt Nam vẫn đang đối phó, ngăn chặn lây nhiễm biến chủng Delta. Việc tiêm chủng đầy đủ giúp giảm nguy cơ tăng nặng dẫn đến tử vong với người nhiễm Covid-19”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Tin liên quan
Tin khác