WHO cho rằng biến chủng Mu có một loạt các đột biến cho thấy đặc tính tiềm ẩn của khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch. Ảnh: AFP |
Biến chủng Mu còn được các nhà khoa học gọi tên là B.1.621. Nó được WHO bổ sung vào danh sách các biến chủng cần "được quan tâm" vào ngày 30/8.
Theo WHO, biến chủng Mu chứa các đột biến di truyền khiến khả năng miễn dịch tự nhiên, các loại vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng hiện nay không có hiệu quả chống đỡ cao như đối phó với chủng ban đầu.
Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu bổ sung để xác định xem liệu biến chủng Mu có khả năng lây lan nhanh hơn, gây tử vong cao hơn hay kháng thuốc mạnh hơn trước các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện tại hay không.
Trong một báo cáo ngày 31/8, WHO cho biết Mu "có một loạt các đột biến cho thấy đặc tính tiềm ẩn của khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch".
"Dữ liệu sơ bộ được cung cấp cho Nhóm công tác về sự tiến hóa của virus cho thấy khả năng trung hòa của huyết thanh miễn dịch và vaccine giảm tương tự như ở biến thể Beta, nhưng điều này cần được làm rõ bằng các nghiên cứu sâu hơn", báo cáo của WHO nêu.
Biến thể Mu được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia nhưng đến nay đã được xác nhận lưu hành tại ít nhất 39 quốc gia, theo WHO. Mặc dù tỷ lệ phổ biến trên toàn cầu của biến thể Mu trong số các nhiễm Covid-19 được giải trình tự gene đã giảm và hiện ở mức dưới 0,1%, nhưng tỷ lệ nhiễm chủng này ở Colombia và Ecuador vẫn liên tục tăng.
WHO nhận định, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu các đặc điểm lâm sàng của biến thể Mu. Tổ chức này cho rằng: "Dịch tễ học của biến thể Mu ở Nam Mỹ, đặc biệt là với sự lưu hành cùng biến thể Delta, sẽ cần được theo dõi để nhận biết những biến đổi".
Hiện nay WHO đang theo dõi chặt chẽ 4 biến chủng trong diện cần "được quan tâm", gồm cả biến chủng Lambda được được phát hiện đầu tiên ở Peru. Những biến chủng "được quan tâm" đã gây ra dịch bệnh ở nhiều quốc gia và có những biến đổi gene khiến chúng nguy hiểm hơn các chủng khác.
Ngoài ra, WHO cũng đang theo dõi 4 biến chủng "đáng lo ngại", bao gồm Delta (được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ và là biến chủng phổ biến nhất ở Mỹ); Alpha (được phát hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh); Beta (được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi); và Gamma (được phát hiện đầu tiên ở Brazil).
Delta từng là một biến chủng trong diện "cần quan tâm" của WHO cho đến khi cơ quan này phân loại lại biến chủng này vào đầu tháng 5 sau khi các nghiên cứu sơ bộ cho thấy Delta có thể lây lan dễ dàng hơn các chủng khác của Covid-19. Delta đó kể từ đó được cho là nguyên nhân gây ra nhiều đợt bùng phát dịch bệnh lớn trên thế giới, gồm cả Mỹ.
Một biến chủng "đáng lo ngại" thường được xác định là một chủng đột biến, dễ lây lan hơn, gây tử vong cao hơn hoặc có khả năng kháng các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện tại mạnh hơn.