Thời sự
Chủ động xây dựng kịch bản khi Anh rời EU
Mạnh Bôn - 29/06/2016 07:48
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) tác động, ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, trong 2-3 năm tới, điều này không ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, còn trong dài hạn, Brexit cũng ảnh hưởng không nhiều.
TIN LIÊN QUAN

Theo ông, sự kiện Brexit tác động thế nào tới nền kinh tế nước ta?

Hiện Vương quốc Anh mới thực hiện xong cuộc trưng cầu dân ý về việc nước này rời khỏi EU. Sau 2-3 năm nữa, Anh và EU mới hoàn toàn tách khỏi nhau, vì vậy, trong vòng 2-3 năm nữa, Brexit không ảnh hưởng tới hoạt động xuất - nhập khẩu, đầu tư giữa Việt Nam với Anh . Mặc dù vậy, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư vẫn chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá tác động này tới nền kinh tế Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo, chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu để đưa ra đánh giá cụ thể.

.

Cụ thể, Tổng cục Thống kê sẽ làm những gì, thưa ông?

Chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả các dự án mà Anh đầu tư vào nước ta và đặt ra kịch bản, nếu Anh vẫn tiếp tục là thành viên của EU thì những chính sách hiện hành mà Việt Nam và EU đang áp dụng có lợi thế gì; Anh quốc rút ra khỏi EU thì có lợi thế gì.

Đối với hoạt động xuất - nhập khẩu, chúng tôi cũng đưa ra các kịch bản tương tự: Anh là thành viên của EU thì thuế đối với từng loại hàng hóa nhập khẩu từ thị trường này áp mức nào; khi họ ra khỏi EU, tức là không thực hiện các cam kết về thuế xuất - nhập khẩu đã được Việt Nam và EU ký kết, thì áp mức thuế nào, việc thay đổi thuế suất sẽ tác động thế nào đến hoạt động thương mại giữa hai nước.

Anh là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, nhưng so với các đối tác khác thì hoạt động đầu tư, thương mại giữa hai nước chiếm tỷ trọng không lớn, nên trong tương lai, sự kiện Brexit không tác động, ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế nước ta.

Đó là chuyện tương lai, còn hiện tại, nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 5,52%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 6,32% của 6 tháng năm 2015 và 5,92% của năm 2014. Trước tình hình này, giải pháp tăng khai thác dầu thô để lấy lại đà tăng trưởng chắc sẽ được thực hiện như đã từng thực hiện trong năm 2015?

Theo tính toán của chúng tôi, GDP muốn đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đặt ra thì trong 6 tháng cuối năm phải tăng 7,6%. Đây là mục tiêu rất khó, nên cần phải triển khai nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ, trong đó tăng khai thác dầu thô chỉ là một giải pháp mà thôi.

Năm 2015, kế hoạch đặt ra là khai thác 14,07 triệu tấn dầu thô, nhưng cuối cùng khai thác 16,7 triệu tấn, đã góp phần đáng kể trong việc tăng GDP 6,68%. Năm nay, kế hoạch đặt ra là khai thác 14,02 triệu tấn, nhưng trên thực tế thì trong 6 tháng đầu năm không đạt kế hoạch.

Trong quý I năm nay, có thời điểm giá dầu thô đã rơi xuống mức 27,88 USD/thùng, nhưng sang quý 2, giá dầu thô đã phục hồi trở lại, có thời điểm lên 52,51 USD/thùng và bình quân giá dầu thô trong 6 tháng đầu năm đạt 41,1 USD thùng. Giá dầu thô tăng trở lại, tôi cho rằng cũng là lý do để Chính phủ quyết định có tăng khối lượng khai thác trong 6 tháng cuối năm hay không.

Vậy các giải pháp khác là gì, thưa ông?

Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó phải kể đến 3 Nghị quyết 19/NQ-CP được ban hành trong 3 năm gần đây và Nghị quyết 35/NQ-CP (ngày 26/5/2016) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Ngoài thực hiện quyết liệt các nghị quyết này, sắp tới đây Chính phủ sẽ đưa ra hàng loạt giải pháp khác như kích cầu, tăng trưởng tín dụng, tăng đầu tư, khai thác thêm nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến từ nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản; phát triển mạnh các ngành dịch vụ có thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng

Tin liên quan
Tin khác