TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) |
Thưa ông, phiên họp thứ tư Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) sẽ kết thúc trong ngày hôm nay. Có thể nói gì về các nội dung của cuộc đối thoại tới đây giữa cộng đồng doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo APEC mà ABAC sẽ đặt ra?
4 nhóm vấn đề lớn sẽ được cộng đồng doanh nghiệp APEC đặt ra trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
Thứ nhất, là đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực. Thứ hai, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).
Ưu tiên thứ ba là vấn đề phát triển sáng tạo và bao trùm.
Thứ tư là phát triển bền vững, trong đó chú trọng bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp bền vững, an ninh năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cho tới thời điểm này, giới kinh doanh vẫn lo ngại khi các quan điểm chống lại toàn cầu hóa có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
Cộng đồng doanh nghiệp APEC vẫn coi hội nhập về thương mại và đầu tư là con đường tốt nhất cho phát triển kinh tế và khẳng định WTO vẫn là nền tảng của thương mại và sự thịnh vượng toàn cầu.
Cho nên, ủng hộ và hỗ trợ Tổ chức Thương mại Thế giới trong các mục tiêu toàn cầu hóa, đẩy mạnh tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực để đạt được các mục tiêu Bogor, hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), theo đuổi chương trình nghị sự mới về dịch vụ… là những hướng đi quan trọng của APEC.
Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường cam kết của các nền kinh tế APEC chống lại chủ nghĩa bảo hộ, tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư như tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ (TiSA), Hiệp định Hàng hóa Môi trường (EGA), đề ra lộ trình cạnh tranh về dịch vụ của APEC (ASCR)... Doanh nghiệp cũng kiến nghị thúc đẩy các nỗ lực dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan có thể làm tăng chi phí kinh doanh, hạn chế đầu tư và tăng trưởng thông qua thúc đẩy công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử.
Bên cạnh việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ, cộng đồng doanh nghiệp APEC còn đề xuất gì để thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, thưa ông?
Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, xoá bỏ sự chia cắt kỹ thuật số, xây dựng thương mại kỹ thuật số và khuyến khích sự di chuyển dữ liệu và thông tin qua biên giới trên khắp khu vực cũng được cho là giải pháp thúc đẩy hội nhập, mở rộng thương mại, bảo đảm lợi ích của nền kinh tế số được lan tỏa đến rất cả các nền kinh tế số.
Những nghiên cứu của ABAC về đầu tư cho ICT và tiềm năng tương lai cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng giữa các nền kinh tế đi tiên phong và các nền kinh tế đi sau là do sự chênh lệch về năng lực cạnh tranh.
Để ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các nền kinh tế APEC cần tạo ra các môi trường pháp lý xoá bỏ những rào cản không cần thiết và tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, bao gồm hợp tác trong những nỗ lực quốc tế để truyền dữ liệu hiệu quả và an toàn khắp khu vực và cải cách pháp luật trong nước.
Ngoài kết nối internet và kỹ thuật số, sự kết nối giữa người với người tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển lao động trong khu vực cũng cần được đẩy mạnh để thúc đẩy tăng trưởng, bởi cộng đồng doanh nghiệp APEC đang ngày càng quan ngại về sự thiếu hụt và không tương thích kỹ năng của lao động đang gia tăng bởi sự thay đổi mạnh mẽ về nhân khẩu.
Các doanh nghiệp cũng quan tâm và thảo luận vấn đề đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng vật chất (đường sá, bến cảng, đường sắt, lưới điện …) và kết nối thể chế (sự gắn kết luật pháp quốc tế, tạo điều kiện hội nhập khu vực) như những điều kiện để đẩy mạnh tăng cường hội nhập và phát triển.