Thời sự
Chủ tịch Bắc Giang: Đùn đẩy trách nhiệm không phải là giải pháp an toàn
Khánh Linh - 18/05/2023 19:05
Khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, chính quyền làm được gì thì phải làm hết trách nhiệm, nhưng phải nhanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang xác định với các công chức địa phương.
Hội nghị “Phân tích chỉ số PCI, Chỉ số PAR INDEX, SIPAS năm 2022 và giải pháp nâng cao các chỉ số năm 2023 tỉnh Bắc Giang"

Hội nghị “Phân tích chỉ số PCI, Chỉ số PAR INDEX, SIPAS năm 2022 và giải pháp nâng cao các chỉ số năm 2023 của tỉnh Bắc Giang nóng hơn với những thông tin khó khăn từ doanh nghiệp.

Có những khó khăn chung, doanh nghiệp nhiều ngành, lĩnh vực đang đối mặt như thiếu đơn hàng, lãi suất tuy đã hạ những vẫn cao, điều kiện vay vốn ngặt nghèo; những chính sách tài khóa và tiền tệ để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn triển khai chậm, như Nghị định 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023; Thông tư 02/2023/TT-NHNH của Ngân hàng nhà nước về quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn…

Thậm chí, ngay tại Hội nghị, thông tin về việc 2 khu công nghiệp phải cắt điện trong nửa ngày do thiếu điện đã được đưa ra, dù hè mới bắt đầu, tiếp tục báo hiệu những khó khăn mới sẽ xuất hiện.

Song, điều mà ông Nguyễn Cường, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang muốn nhấn mạnh hơn cả là một số sở, ngành, địa phương vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thiếu họp bàn kịp thời để giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

“Một số việc thuộc thẩm quyền giải quyết của sở ngành nhưng vẫn chờ chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc có văn bản hỏi bộ ngành trung ương”, ông Cương nói.

Trong bối cảnh quy định pháp luật thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, nhiều điểm trong luật chưa được rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, các cơ quan TW thường trả lời chậm và trả lời rất chung chung thì hiện tượng trên càng làm khó cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, tính minh bạch của Bắc Giang chưa được cải thiện nhiều (đạt 6,3/10 điểm – thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần), vấn đề này cũng trùng với kết quả khảo sát đánh giá DDCI năm 2022.

“Các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai, các kế hoạch đầu tư công, thông tin về đấu thầu, những định hướng lớn phát triển của địa phương vv… Chúng tôi đã phải vào xem cổng thông tin của một số sở, ngành, địa phương, thật sự rất nhiều thông tin bị thiếu, cập nhật không kịp thời”, ông Cường thẳng thắn.

Mặc dù Bắc Giang là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuy nhiên các doanh nghiệp cho biết, việc đồng bộ hóa quy hoạch này với các quy hoạch đất đai, xây dựng vẫn còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, xin thuê đất...

"Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp các ngành sớm cụ thể hóa những chính sách của Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là tình hình cấp bách hiện nay", ông Cường khuyến nghị.

Cũng phải nói rõ, tham dự Hội nghị không chỉ có lãnh đạo các sở, ban, ngành tại Trung tâm hội nghị của tỉnh.

Hơn 2.000 công chức, viên chức trực tiếp và gián tiếp đến từ bộ phận một cửa, các bộ phận giải quyết thủ tục hành chính.. ở cấp sở, cấp huyện, xã được triệu tập tham dự thông qua các điểm cầu, với yêu cầu rõ ràng ngay từ đầu là lắng nghe các phân tích, đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, kể cả các thông tin tưởng như không liên quan trực tiếp, để có thông tin, xác định rõ phần việc, trách nhiệm phải làm để cải thiện các chỉ số trong các bảng xếp hạng PCI, PAR INDEX, SIPAS. 

Chủ tịch UBDN tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu tại Hội nghị


“Giữ hay tăng hạng các chỉ số không chỉ là thi đua giữa các tỉnh, cũng không phải là vấn đề lớn, mà quan trọng là sử dụng công cụ để tự hoàn thiện mình. Không có công cụ, không thể đánh giá được tốt hay không tốt, cái gì còn dư địa cải thiện, chỗ nào hết thì cải cách thế nào...", Chủ tịch Lê Ánh Dương giao nhiệm vụ ngay khi bắt đầu Hội nghị. 

Về các chỉ số trên, Bắc Giang đang giữ vị trí thứ 2 trong PCI 2022, có nhiều cải thiện trong PAR INDEX nhưng đang tụt hạng ở chỉ số SIPAS. Trong báo cáo của các sở, ngành được giao đầu mối cải thiện các chỉ số, nguyên nhân và địa chỉ gây tụt hạng đều được nêu rõ.

Ví dụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, các doanh nghiệp vẫn phải chờ hơn 3 tháng mới hoàn thành các thủ tục để đi vào hoạt động, việc khai trình sử dụng lao động và đề nghị cấp mã số đơn vị để tham gia bảo hiểm xã hội và đăng ký sử dụng hoá đơn của doanh nghiệp được thực hiện đồng thời với thủ tục đăng ký kinh doanh còn đạt tỷ lệ thấp...

Về chỉ số SIPAS (thực hiện theo Đề án Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nội vụ), mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách quan trọng đối với đời sống của người dân đạt 75,87%, xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố. Mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công đạt 80,66%, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố...

Điều này cũng có nghĩa, các vướng mắc, than phiền của doanh nghiệp đã đến nơi các địa chỉ cụ thể. Thậm chí, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho rằng, các công chức, viên chức có thể thấy rõ trách nhiệm trong các ý kiến từ doanh nghiệp.

“Đùn đẩy, sợ tránh nhiệm, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan khác không phải là giải pháp cho an toàn. Chúng ta chỉ an toàn khi làm đúng. Đúng từ động cơ với cái tâm trong sáng, không tư lợi, không lợi ích nhóm thì có thể có sơ xuất về hành chính, không ai xử lý. Phần lớn cán bộ có động cơ tốt, nhiều người được khen thưởng, nhưng cần tiếp tục cải cách, nói không với nhũng nhiễu, với thái độ vô cảm…”, Chủ tịch Bắc Giang nói với cán bộ các cấp.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng, khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, lúc này cần các công chức, chính quyền đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, cả doanh nghiệp lớn đến hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nào cũng quan trọng, cũng cần quan tâm, không được bỏ qua đối tượng nào.

“Nếu doanh nghiệp không có đầu ra, không hoạt động được, người dân không có việc làm, sẽ ảnh hưởng đến sức mua, ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội…”, Chủ tịch Bắc Giang nói với công chức các cấp chính quyền…  

Nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích trong phong trào thi đua cải cách hành chính năm 2022


Chia sẻ kinh nghiệm với Bắc Giang về các giải pháp tiếp tục cải thiện chỉ số PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho rằng, môi trường kinh doanh tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ công chức, chất lượng thực thi chính sách, nghĩa là phụ thuộc lớn vào đội ngũ công chức. "Ở đâu, từng công chức sốt ruột với khó khăn của doanh nghiệp, sốt ruột về cải cách môi trường kinh doanh như lãnh đạo tỉnh thì nơi đó, môi trường kinh doanh sẽ cải thiện mạnh mẽ", ông Tuấn khẳng định.

Và đây chính là giải pháp đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất, sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua nhiều khó khăn trong giai đoạn các quy định, pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện, còn nhiều trùng lặp, khó khăn. Nhưng để tạo được điều này, theo ông Tuấn là cần hình thành văn hóa công vụ. 

Đồng tình, Chủ tịch Lê Ánh Dương cho rằng, văn hóa công vụ của Bắc Giang là đồng hành, phục vụ doanh nghiệp.

“Lúc này, cái gì làm được cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn thì làm hết trách nhiệm và phải làm nhanh. Có như vậy mới đồng hành được với doanh nghiệp”, Chủ tịch Bắc Giang nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác