Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 |
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, đưa ra bức tranh nhận diện về khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam sau bối cảnh đại dịch trong bài phát biểu tại phiên thảo luận "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững" của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đang diễn ra tại Hà Nội.
"Đây không chỉ là nhận định của Deloitte Việt Nam", Chủ tịch Deloitte Việt Nam nhấn mạnh.
Theo khảo sát gần đây nhất của Ban IV và các hiệp hội doanh nghiệp, mặc dù có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, nhưng theo phản ánh từ các tổ chức, hiệp hội cho thấy, hầu hết các DN vẫn đứng trước khó khăn hết sức lớn bởi nhiều lý do.
Trong đó, đứng đầu là thiếu vốn lưu động; tiếp sau là chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao và số lượng và lợi nhuận của đơn hàng sụt giảm do sự thắt chặt chi tiêu của người dân của các nền kinh tế lớn như Mỹ, hoặc các nước châu Âu...
Cùng với các khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn về lao động cả về số lượng và chất lượng trong giai đoạn phục hồi. Việc thiếu hụt kỹ năng đã và đang cũng là một trở ngại lớn đối với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu, cùng với đó là sự cạnh tranh về lao động lành nghề, lao động chất lượng cao đi kèm với quá trình chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam ngày càng khốc liệt.
Các doanh nghiệp Việt còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, đó là việc tiếp cận thông tin về thị trường như giá cả, loại mặt hàng, sở thích thị trường, các rào cản kỹ thuật của thị trường có nhập khẩu hàng Việt Nam, thiếu thông tin về các loại công nghệ, thiết bị hiện đại cũng như giá cả liên quan, bà Thanh phân tích.
Nhìn vào số liệu 8 tháng đầu năm 2022 về đăng ký kinh doanh, Chủ tịch Deloite Việt Nam nhận định, cùng với các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, nền kinh tế có các dấu hiệu phục hồi, hơn 100 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, bà lo ngại khi nhắc tới số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng khá cao, hơn 50 ngàn doanh nghiệp, với mức tăng là 38% so với cùng kỳ năm trước.
“Có thể thấy rõ là qua đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp Việt Nam bộc lộ rõ các yếu tố Nội tại – Năng lực chịu đựng rõ nhất qua hệ thống được xây dựng và quản trị với 3 nguồn lực, gồm Nguồn lực tài chính, Nguồn Lực Lao động và Nguồn lực Xã hội. Một số doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt đã ứng phó thành công, phục hồi nhanh chóng và tiếp tục phát triển bền vững”, bà nhấn mạnh.
Gửi khuyến nghị tới Diễn đàn, bà Thanh đã chia sẻ nghiên cứu của Nhóm tư vấn của Deloitte, trong đó có 4 nhóm hành động thiết thực các doanh nghiệp nên thực hiện để đảm bảo tính hoạt động kinh doanh liên tục – liên tục ứng phó với các rủi ro bất ổn không chỉ bởi đại dịch, mà trong mọi điều kiện.
Theo các chuyên gia tư vấn của Deloitte Việt Nam, đây là những nguyên tắc cơ bản mà mọi doanh nghiệp nên và cần làm để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh.
Nhóm 1 là, các hành động cần ưu tiên cao để tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp, có hiệu quả tức thì, hoàn toàn trong khả năng thực thi và kiểm soát của mỗi doanh nghiệp, tập trung vào các ưu tiên quan trọng và lâu dài, quản trị dòng tiền.
Nhóm 2 là, các hành động giúp tối ưu hóa hệ thống và doanh nghiệp hoàn toàn chủ động được trong khâu thực thi, Tập trung vào Thị trường và các sáng tạo để thiwchs ứng với Thay đổi thói quan của người tiêu dùng. Xây dựng các chính sách gắn kết với các nhà cung ứng đảm bảo tỉnh liên tục của Chuỗi Giá trị và chuỗi Cung ứng.
Nhóm 3 là, các hành động mang tính chiến lược, dài hạn, là sự lựa chọn khôn ngoan của doanh nghiệp để phục hồi kiên cường, bền vững. Tập trung vào Điều chỉnh/ thay đổi/ nâng cao chất lượng các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp; Tái thiết các nhóm sản phẩm trọng tâm; tối ưu hóa Thương Mại điện tử.
Nhóm 4 là các hành động thực chất đến từ tư duy lãnh đạo doanh nghiệp doanh nghiệp về Phát triển bền vững liên quan đế ESG – Môi trường, Xã hội và Quản trị tốt.
Năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp được cộng hưởng và gia tăng khi được chia sẻ một cách đầy đủ trong sự kết nối với các hiệp hội ngành nghề, cũng như nhận được sự lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, từ địa phương đến Trung ương. Điều này cũng thể hiện cho sự quan tâm và cùng đồng hành, chia sẻ giá trị và trách nhiệm của các cơ quan quản lý với cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, câu chuyện về phát triển bền vững được xác định sẽ là một hành trình dài hạn.
"Để các doanh nghiệp đang thực sự quan tâm đến vấn đề này có thể phát triển một cách tốt hơn, Chính phủ cần có một cơ chế cho các doanh nghiệp đang đi tiên phong về môi trường, với các thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế và đất đa cho những địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn", bà Thanh kết luận bài phát biểu bằng đề xuất này.