Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier khẳng định: "EuroCham và doanh nghiệp thành viên tái cam kết tiếp tục là đối tác vững chắc với Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 và quá trình phục hồi nền kinh tế. Cùng nhau chúng ta có thể phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội" |
Phát biểu trước hội nghị trực tuyến với nhiều điểm cầu từ địa phương, doanh nghiệp trên cả nước, ông Nicolas Audier đánh giá, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về cuộc chiến chống Covid-19. Các biện pháp mạnh mẽ chống dịch Covid-19, bao gồm các biện pháp y tế cộng đồng kịp thời cùng với gói hỗ trợ kinh tế hiệu quả đã đưa Việt Nam trở thành hình mẫu chống Covid-19 trên thế giới.
“Những biện pháp mạnh mẽ trên đã giúp Việt Nam duy trì thành tích kinh tế (trong quý I/2020), tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Những hành động này cũng giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu rằng Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, cạnh tranh về kinh doanh. Việt Nam hiện đang có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội đầu tư kinh doanh mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế ổn định nhờ cách tiếp cận chủ động song hành, vừa chống dịch Covid-19 vừa kích thích kinh tế”, Chủ tục EuroCham nhận định.
EuroCham đánh giá cao các biện pháp mạnh mẽ mà Việt Nam triển khai trong thời gian qua, nhằm bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp châu Âu. Đặc biệt, EuroCham hoan nghênh vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Trong vài tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất và thực hiện các giải pháp sáng tạo góp phần giúp các doanh nghiệp duy trì kinh doanh bình thường, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu như vận tải, y tế, dược phẩm, sản xuất công nghiệp.
Với việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp châu Âu mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với EU. Hiệp định mang tính lịch sử này sẽ kích thích hoạt động thương mại của Việt Nam với thị trường tiêu dùng lớn ở châu Âu, tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế và thu hút nhiều nguồn đầu tư mới.
“Bằng cách này (thực hiện tốt EVFTA), Việt Nam sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn truyền thống, cũng như giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng trên thế giới”, ông Audier tin tưởng.
Đối với quốc gia hội nhập vào chuỗi cung ứng và dòng vốn toàn cầu, điều cần thiết là Việt Nam không chỉ bảo vệ doanh nghiệp trong nước mà còn hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài - một động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu khi dịch Covid-19 được kiểm soát khi hoạt động thương mại toàn cầu trở lại bình thường.
Theo đại diện EuroCham, việc thực hiện các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế là rất cần thiết bởi Việt Nam là thị trường đang trên đà phát triển, nhưng phụ thuộc lớn vào nhu cầu toàn cầu. Trong khi đó, dù dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được đẩy lùi, nhưng nhiều quốc gia khác bao gồm cả những nền kinh tế phát triển vẫn chưa qua đỉnh dịch.
Đại diện EuroCham khuyến nghị, Việt Nam có thể tận dụng vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để kêu gọi tổ chức hội nghị thảo luận các gói phục hồi và kích thích kinh tế, các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các dự án hợp tác công - tư (PPP) không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần triển khai một số biện pháp khác nhằm đảm bảo tính liên tục và linh hoạt của nền kinh tế hiện đang hoạt động dưới dạng chuỗi cung ứng, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu để đảm bảo doanh thu và thu nhập tối thiểu cho doanh nghiệp và người lao động.