Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, khẳng định, ban đầu ngân hàng lên kế hoạch giảm 1.000 nhân viên ở bộ phận gián tiếp, nhằm tăng quỹ lương cho bộ phận bán hàng trực tiếp.
| ||
Chủ tịch Lê Hùng Dũng khẳng định không sa thải 1.000 nhân viên |
Tuy nhiên, đến nay Eximbank chỉ mới chấm dứt hợp đồng với 48 người, và điều chuyển hơn 300 nhân viên từ các phòng ban của Hội sở xuống các chi nhánh để tăng cường đội ngũ bán hàng, nhằm đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, tạo doanh thu.
Theo ông Dũng, những nhân viên này thay vì ngồi ở những bộ phận không trực tiếp tạo ra lợi nhuận thì nay được tăng thêm lực lượng cho chi nhánh, nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
“Đó cũng là cách làm mà Eximbank cho là phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay. Chúng tôi đã cố gắng để không sa thải nhân sự mà bằng cách điều chuyển công việc, nhằm tạo lợi nhuận và đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, trong bối cảnh khó khăn, ngân hàng buộc phải tiết giảm chi phí đồng thời tăng quỹ lương cho đội ngũ bán hàng trực tiếp, do đó việc cắt giảm nhân sự ở bộ phận gián tiếp là điều khó tránh. Không những thế, Eximbank cũng phải thay đổi quy chế lương.
Nếu nhân viên bán hàng vượt chỉ tiêu sẽ được nhận mức lương cao hơn gấp đôi, gấp ba thậm chí cao hơn cả trưởng phòng và Chủ tịch HĐQT Eximbank cho rằng, đó là việc làm cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, hoạt động ngân hàng cạnh tranh khốc liệt. Eximbank cũng đã giảm lương theo cơ chế trước hết từ cấp cán bộ lãnh đạo.
Trong đó, bản thân Chủ tịch HĐQT đã làm gương, giảm đến 50% lương, kế đến là tổng giám đốc giảm 30% lương và xuống các cấp lãnh đạo bên dưới cũng giảm từ 12 – 20%, nhưng đối với nhân viên, Eximbank hạn chế tối đa việc cắt giảm thu nhập. Sở dĩ, Eximbank phải mạnh tay cắt giảm chi phí theo ông Dũng là do lợi nhuận sụt giảm mạnh.
“Eximbank chỉ có thể đạt được 1.500- 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, xấp xỉ 50% chỉ tiêu ngân hàng đã xây dựng từ đầu năm”, Chủ tịch HĐQT Eximbank nói.
Thùy Vinh