Chiều ngày 9/7, giải trình thêm cho các thành viên UBND TP Hà Nội tại phiên chất vấn HĐND, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện các đơn vị liên quan đang thí điểm nhiều công nghệ mới để “hồi sinh” sông Tô Lịch và các ao hồ.
“Với công nghệ mới, chúng ta đã xử lý rất hiệu quả tình trạng ô nhiễm ở các ao hồ. Nếu chất này (chế phẩm Redoxy3C) đưa xuống sông Tô Lịch mà nước “đứng” thì xử lý được như các hồ ngay”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, vấn đề hiện nay là sông Tô Lịch vẫn là dòng chảy, nên TP đang áp dụng các công nghệ thí điểm làm sạch. Trước mắt TP Hà Nội sẽ cố gắng làm cho con sông này hết mùi.
“Vấn đề tiếp theo, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Khi nhà máy hoàn thành, một phần nước thải của Đống Đa, Cấu Giấy, Hai Bà Trưng… được thu gom, xử lý”, ông Chung cho hay.
Trên dòng sông Tô Lịch hiện nay, TP Hà Nội đang thí điểm 2 công nghệ làm sạch nguồn nước (Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức). Sau hơn 2 tháng thí điểm, bước đầu các công nghệ trên cho kết quả khả quan, trong đó nước đã giảm mùi hôi, hàm lượng oxy trong nước cũng tăng lên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để ô nhiễm thì phải tách nguồn nước thải ra khỏi dòng sông Tô Lịch. Bởi hiện nay, 2 bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông.
Nhưng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khởi công từ tháng 10/2016 (bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha) với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đô la, đến nay gần như vẫn… dậm chân tại chỗ.
Nguyên nhân chậm tiến độ được chủ đầu tư dự án cho biết, do phải thực hiện đấu thầu lại gói 3 (xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ). Năm 2019, dự án được bố trí vốn ODA hơn 70 tỷ đồng trong khi nhu cầu vốn cho các gói thầu 2, 3 và 4 của dự án dự kiến sẽ khởi công năm 2019 khoảng 1.000 tỷ đồng.