Tuyến buýt nhanh đầu tiên Kim Mã-Yên Nghĩa đã chính thức được đưa vào vận hành. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Theo đó, tuyến buýt nhanh đầu tiên có số hiệu 01, với lộ trình bến xe Kim Mã- bến xe Yên Nghĩa. Tuyến buýt nhanh đầu tiên này có chiều dài 14,7 km, 21 nhà chờ dọc tuyến.
Buýt nhanh BRT sẽ chạy với tần suất 5-10-15 phút/chuyến, thời gian di chuyển từ bến xe Kim Mã tới bến xe Yên Nghĩa khoảng 45 phút/chuyến. Trong một tháng đầu tiên, người dân sẽ được trải nghiệm tuyến buýt nhanh đầu tiên của Thủ đô và cũng là tuyến buýt nhanh đầu tiên của cả nước miễn phí.
Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị, (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, phương án vận hành tuyến buýt nhanh 01 đã được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt, cũng như phương án phân luồng cho xe buýt hoạt động đã được liên ngành Công an thành phố Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông qua.
“Trong nửa tháng chạy thử nghiệm từ ngày 15 - 301/2 đã khớp nối các hạng mục kỹ thuật nhà chờ, đánh giá tác động giao thông trên tuyến và hôm nay buýt nhanh BRT chính thức vận hành chở khách đi lại,” ông Vũ Hà nói.
Phát biểu tại lễ khai trương tuyến buýt nhanh, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhìn nhận, dự án buýt nhanh BRT là dự án buýt nhanh đầu tiên của cả nước được triển khai trên địa bàn Hà Nội nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng tin tưởng với sự đồng thuận, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo cũng như sự đồng hành từ phía Ngân hàng thế giớ và sự ủng hộ của nhân dân Thủ đô đã giúp dự án hoàn thành và đưa vào vận hành trong ngày hôm nay.
Để tuyến buýt nhanh đầu tiên trên địa bàn Thủ đô vận hành có hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải bố trí lực lượng đảm bảo an toàn, trật tự giao thông trên tuyến, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.
“Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông theo dõi, điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông trên tuyến cho phù hợp, khắc phục ngay những bất cập liên quan đến hạ tầng còn tồn tại,” ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo.
Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn, phân luồng đảm bảo giao thông trên tuyến, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải để có phương án vận hành tuyến buýt này một cách tốt nhất. Ủy ban Nhân dân các quận nơi có tuyến buýt nhanh BRT đi qua phải tăng cường quản lý trật tự đô thị trên tuyến.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trải nghiệm trên tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Trải nghiệm tuyến buýt nhanh đầu tiên của Thủ đô vào sáng nay, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ thực hiện đúng mục tiêu của dự án đề ra từ ban đầu, ưu tiên vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là vận tải vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, sau quá trình chạy thử nghiệm ban đầu sẽ có những điều chỉnh để BRT vận hành một cách hợp lý nhất, phát huy hết tác dụng, nâng cao hiệu quả của vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.
Các chuyến xe buýt nhanh sẽ chạy trên làn đường riêng tại đoạn Ba La-Quang Trung-Lê Trọng Tấn-Đường trục Bắc Hà Đông-Tố Hữu-Lê Văn Lương-Láng Hạ-Giảng Võ-nút Giang Văn Minh-Cát Linh.Các loại xe bình thường được quy định như sau: cấm xe taxi hoạt động trong giờ cao điểm (6-9 giờ và 16 giờ 30-19 giờ 30) trên tuyến Giảng Võ-Láng Hạ-Lê Văn Lương.
Cấm môtô, xe gắn máy, xe thô sơ trên hai cầu vượt Láng Hạ-Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương-Láng trong giờ cao điểm (6-9 giờ và 16 giờ 30-19 giờ 30). Cấm hoàn toàn xe tải và xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500kg trở lên trên hai cầu vượt này.