Phát biểu kết luận tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội tối 18/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo nhận định, con đường chống dịch phía trước của thành phố còn rất gian nan.
"Công việc phải chi li nếu không là sẽ lãng phí nguồn lực, bị động, rối như ở Hồ Bắc, ở Italy", ông Chung nhấn mạnh.
Cao điểm dịch bệnh có thể trong 3-4 ngày tới, thậm chí không giảm vào mùa hè
Nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện nay, ông Chung cho biết, những nước có dịch bệnh lây lan nhanh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có số ca nhiễm giảm xuống sau 12 tuần. Từ khi Việt Nam phát hiện ca thứ 17 (ngày 6/3), nếu theo đúng kịch bản diễn biến dịch bệnh như các nước trên, chúng ta mới bước sang tuần thứ 2.
“Nếu giống như Trung Quốc, chúng ta phải chiến đấu với dịch trong khoảng 10 tuần nữa. Thời gian cao điểm của thành phố là khoảng 3-4 ngày nữa”, ông Chung dự báo.
Trước đây, nguồn lây ở giai đoạn 1 chỉ xác định từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng theo ông Chung, từ giai đoạn 2 (từ 6/3 đến nay), chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguồn lây nhiễm từ các quốc gia. Chỉ cần lọt một trường hợp, sẽ kéo theo rất nhiều trường hợp lây nhiễm chéo, như trường hợp tại Bình Thuận lây nhiễm cho 9 người, hay nữ bệnh nhân ở Trúc Bạch lây cho 4 người.
Từ nay cho đến ngày 3/4 sẽ là thời gian cao điểm bởi đây là khoảng thời gian để xác định được các ca bệnh từ các chuyến bay các nước về Hà Nội.
Chủ tịch Hà Nội phân tích, theo nghiên cứu được công bố của các nhà khoa học trên thế giới, virus này có khả năng lây nhiễm cao; virus này ảnh hưởng không đồng đều, tác động khác nhau ở các độ tuổi khác nhau, trong đó tỷ lệ tử vong người ở trên 60 tuổi cao hơn những độ tuổi khác. Thời gian ủ bệnh chưa thể kết luận chính xác, bởi đã có những trường hợp ủ bệnh 27, thậm chí 39 ngày.
Về yếu tố mùa, ông Chung dẫn chứng thế giới đưa ra nhiều nhận định, trong đó có quan điểm cho rằng dịch có thể giảm vào mùa hè khi thời tiết nóng lên. Tuy nhiên, hiện ở Malaysia thời tiết nóng vẫn đang bùng phát dịch, hay tại Bình Thuận cũng có thời tiết nóng nhưng dịch vẫn lây lan. Từ thực tế đó, Chủ tịch Hà Nội dự báo dịch có thể không giảm vào mùa hè, dù thời tiết có nóng lên.
Thông tin về các nguồn lây nhiễm trên địa bàn thành phố, ông Chung cho biết nguồn lây nhiễm chính là từ việc tiếp nhận, phân loại và xét nghiệm ngay sân bay Nội Bài. Với hành khách nhập cảnh vào đây theo đường bay quốc tế đã được kiểm soát, còn khách quá cảnh hay vào bằng đường bộ vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Bởi vậy, ông Chung cho rằng nguồn lây nhiễm này còn có nguy cơ gia tăng, rất có thể tới đây Hà Nội sẽ có thêm 6-8 ca nhiễm mới, vì hiện đã có 6-8 trường hợp xét nghiệm dương tính lần 1 với Covid-19.
Nguồn lây nhiễm thứ hai được ông Chung nhắc đến là trong cộng đồng dân cư, khi có nhiều học sinh, sinh viên và khách du lịch vào Việt Nam từ ngày 3/3 và ở trong các khu này.
Nguồn lây nhiễm thứ ba là các cán bộ phải tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp được cách ly. Dù họ có quần áo bảo hộ nhưng tỷ lệ lây nhiễm của người tiếp xúc gần và thực thi công vụ là cao nhất.
Từ đánh giá, nhận định như vậy, ông Chung cho rằng nếu đúng diễn biến như dự đoán, những ngày tới Hà Nội sẽ rất vất vả khi ca nhiễm tăng lên.
"Con đường phía trước còn rất dài. Nếu không định hình lại các nhiệm vụ, chúng ta sẽ mất rất nhiều công sức và vật lực, thậm chí không đủ sức cho những thời gian tiếp theo", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội họp giao ban trực tuyến chiều tối 18/3 (Ảnh: Kỳ Thành) |
Người dân nên hạn chế ra đường, cơ sở kinh doanh nếu không cần thiết có thể đóng cửa
Ông cũng đề nghị các quận huyện thường xuyên cập nhật để so sánh các biện pháp đang thực hiện với tình hình thực tiễn, nếu có biện pháp không còn phù hợp thì mạnh dạn loại bỏ, điển hình như không phải rà soát đến trường hợp tiếp xúc F4.
Đồng thời, cần phát hiện tổ chức cách ly nhanh chóng. Tập trung phát hiện từ những người dân có biểu hiện ho, sốt, vận chuyển người này bằng các phương tiện y tế. Yêu cầu khai báo y tế và cách ly tại nhà đối với những người đi nước ngoài về.
“Tiếp tục xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm”, ông Chung nhấn mạnh và yêu cầu các cơ sở y tế phải đào tạo nguồn lực có khả năng lấy mẫu, để có lấy được 1.500 đến 3.000 mẫu/ngày, tương đương với khoảng 800 cán bộ y tế.
Bên cạnh đó, có các biện pháp mạnh mẽ trong giám sát cộng đồng về việc tổ chức cách ly. Tổ dân phố tăng cường tuyên tuyền công dân tự giác khai báo. Các đội cơ động phải trực 24/7, khi có thông tin của người dân là phải triển khai nhiệm vụ ngay.
Dự báo Thành phố có thể sẽ tiếp nhận khoảng 10.000 người về nước trong những ngày tới, ông Chung cho biết Hà Nội quyết định tổ chức cách ly tập trung để phòng ngừa. Những trường hợp cần phải cách ly là những người từ nước ngoài tại các khu tập trung; cách ly F1 tại bệnh viện; cách ly F2 tại nhà. TP sẽ kích hoạt giám sát cộng đồng bằng GPS để giám sát tại nơi ở.
Ngoài ra, đối với những người là người nước ngoài đã nhập cảnh mà là trường hợp F1; cán bộ ngoại giao, các khách sạn đã cam kết bố trí khoảng 1.500 - 2.000 chỗ cho những người này. Còn các trường hợp cách ly để chữa bệnh đều tập trung tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, với diễn biễn dịch bệnh của 1 tuần qua, Thành phố phải có những đánh giá mới, để đưa ra những phương án giải pháp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô trong thời gian tới.
Nhấn mạnh về tinh thần, ý thức tự giác của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khuyến cáo từ giờ đến 31/3, người dân nên ở nhà, tránh đi ra ngoài và sinh hoạt đông người. Đồng thời, đề nghị người dân bình tĩnh, thực hiện tất cả các biện pháp mà Bộ Y tế đã hướng dẫn; hạn chế tối đa sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Với các cơ sở kinh doanh, ông khuyến cáo nếu không cần thiết có thể đóng cửa, trừ các cửa hàng xăng, thuốc, lương thực thực phẩm.
Chủ tịch Hà Nội khẳng định, Thành phố đang chủ động và kiểm soát tốt tình hình, xác minh nhanh trường hợp có khả năng lây nhiễm chéo, bóc tách ngay lập tức các trường hợp có khả năng lây nhiễm chéo. Nếu người nước ngoài có nhu cầu có thể cho cách ly ở khách sạn, tự họ trả phí.
Sẵn sàng 3 khu cách ly tập trung, 7 cơ sở lưu trú đăng ký làm nơi cách ly
Báo cáo tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP. Hà Nội, đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, cơ quan này tổ chức 3 khu vực sẵn sàng cho cách ly tập trung, trong đó Khu Nhà ở sinh viên ở Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai với 4.500 chỗ; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, quận Nam Từ Liêm với 850 chỗ; Trung tâm dạy nghề Thành An thuộc Binh đoàn 11, huyện Thanh Trì với 850 chỗ.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, có 7 cơ sở lưu trú đăng ký làm nơi cách ly tập trung với khả năng cách ly được 1.308 người, góp phần giảm tải cho những nơi cách ly tập trung. Những cơ sở này đề nghị cần sớm có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp cách ly tại các cơ sở lưu trú như phương tiện vận chuyển, quy trình tiếp nhận người cách ly…
Thông tin thêm về khu cách ly tại Tứ Hiệp, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, quận đã xuống tuyên truyền với người dân tại khu vực này rằng đây chỉ là cách ly cộng đồng người nước ngoài, không phải là những trường hợp tiếp xúc với người dương tính với Covid-19. Quận đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho những người về cách ly tại đây.