Kết quả đạt được trong năm đặc biệt 2020 của VNPT được ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn lý giải rằng, đó là nhờ khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc số luôn hiển hiện trong trái tim của người VNPT, thôi thúc họ không ngừng cống hiến, lăn xả làm việc.
Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông |
Hành động từ trái tim
Thành công trong năm 2020 của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) khiến ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV của Tập đoàn hài lòng nhất không phải là con số hơn 162.000 tỷ đồng doanh thu, 7.100 tỷ đồng lợi nhuận, mà là quyết tâm sắt đá: không giảm lương, giảm thu nhập của cán bộ, nhân viên. “Quyết định này đã tạo một động lực mới, khơi dậy sự sáng tạo, tạo nên sức mạnh để toàn Tập đoàn không ngừng cống hiến, lăn xả làm việc”, ông Long cho biết.
Với ông Long cũng như cả tập thể VNPT, Covid-19 hoành hành và đợt bão lũ nặng nề ở miền Trung đã một lần nữa thử thách ý chí, tinh thần vượt khó của mỗi người. Trong những ngày tháng đó, tòa nhà VNPT ở 57 - Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) sáng đèn tới 21 - 22h để lên các phương án ứng phó. Ở tuyến đầu, nhân viên VNPT ngâm mình trong dòng nước lạnh để đảm bảo thông suốt liên lạc…
Ròng rã cả năm 2020, bộ máy VNPT hoạt động với 200% nỗ lực và công suất. Nếu Chính phủ đặt ra mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, thì VNPT đặt ra mục tiêu kép là đồng hành cùng Chính phủ, khách hàng phòng chống dịch hiệu quả và duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động.
Trong khó khăn, VNPT đã thể hiện bản lĩnh “anh cả đỏ” khi đặt quyết tâm cao độ, vận dụng toàn bộ hệ sinh thái đồng hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu kép. Ví dụ, để đảm bảo việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, sau một thời gian ngắn làm ngày làm đêm, người VNPT đã hoàn thiện hệ thống VNPT E-Learning. Tiếp đó, các đơn vị VNPT đã “đổ quân” xuống tập huấn cho 20.000 trường học với 20 triệu học sinh, sinh viên sử dụng.
Với ngành y tế, VNPT đã sát cánh chống dịch bằng việc chung sức xây dựng ứng dụng Khai báo y tế tự nguyện NCOVI và các ứng dụng y tế khác, giúp Chính phủ kiểm soát dịch bệnh, ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội.
Tháng 5/2020, khi dịch bệnh vẫn đang nóng bỏng, VNPT được giao nhiệm vụ triển khai Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bằng hình thức trực tuyến. Việc tổ chức thành công phiên họp trực tuyến đầu tiên của Quốc hội là tiền đề quan trọng để VNPT tiếp tục đồng hành với Quốc hội Việt Nam trong cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp, triển khai Quốc hội điện tử.
Nói về những dấu mốc đáng tự hào ấy, ông Phạm Đức Long chia sẻ: “Đó không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm của một tập đoàn nhà nước chủ lực hàng đầu của Việt Nam, mà còn là hành động từ trái tim của mỗi cán bộ, nhân viên VNPT với nhân dân, đất nước”.
Dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số
Ngày 1/12/2020, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Sơn La (IOC Sơn La) đã chính thức khai trương. Ông Phạm Đức Long không thể vắng mặt trong sự kiện này, bởi đây là một trong những IOC được xây dựng với sự tài trợ của VNPT.
Trong năm 2020, VNPT đã hoàn thành xây dựng 20 trung tâm điều hành thông minh và đang hoàn thiện cho 16 tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Giải pháp này đã trở thành “đầu não”, là “bộ chỉ huy” của các địa phương trong điều hành hoạt động. “Đây là nền tảng, là bước đầu tiên để các địa phương chuyển mình thành chính quyền số, tiến tới xây dựng thành công Chính phủ điện tử”, ông Long cho biết.
Có thể nói, trong năm 2020, VNPT đã tham gia sâu, rộng và khẳng định vai trò chủ lực, tiên phong, dẫn dắt chuyển đổi số cho nền kinh tế như xây dựng và phát triển các nền tảng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; triển khai Trung tâm thông tin, chỉ đạo của Chính phủ; Cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp chia sẻ dữ liệu và Cổng dữ liệu mở quốc gia, Cơ sở dữ liệu dân cư kết nối dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu...
Vai trò của VNPT trong chuyển đổi số được thể hiện trong quá trình tư vấn lộ trình, xây dựng khung kiến trúc chuyển đổi số cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; đi đầu, dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số trong ngành kinh tế mũi nhọn; tiên phong nghiên cứu, phát triển các nền tảng (platform) cho chuyển đổi số, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp công nghệ, start-up; triển khai, vận hành giải pháp toàn diện từ hạ tầng, nền tảng đến các giải pháp chuyên ngành, bảo đảm an toàn thông tin cho chuyển đổi số.
Câu chuyện của VNPT và nhiều doanh nghiệp khác trong năm 2020 đã cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số. “Vấn đề là khơi dậy khát vọng chuyển đổi số đến từng người dân, tổ chức, doanh nghiệp, xem đó là cơ hội lớn để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số, cường quốc số. Muốn vậy, VNPT không chỉ gương mẫu, tiên phong, mà còn phải trở thành doanh nghiệp chủ lực, dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số”, ông Long chia sẻ.
Khát vọng trở lại ngôi vương chưa bao giờ ngừng
Trong cuộc trao đổi gần đây, thuyền trưởng VNPT tâm sự rằng, để tồn tại và phát triển, VNPT dứt khoát phải cởi bỏ “chiếc áo” nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu quốc gia, tiên phong trong nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng các công nghệ mới, trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam.
“Nền kinh tế số Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Thị trường vô cùng rộng lớn. Cơ hội chia đều cho tất cả. Hiện tổng chi phí của doanh nghiệp cho công nghệ thông tin tại Việt Nam khoảng 69.000 tỷ đồng, tổng chi ngân sách cho công nghệ thông tin khoảng 17.000 tỷ đồng trong năm 2020. Vấn đề là, VNPT muốn bao nhiêu, làm được bao nhiêu trong số đó?”, ông Long chỉ rõ.
Doanh nhân Phạm Đức Long
Sinh năm 1970, tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, sau đó lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành điện tử viễn thông tại Nhật Bản vào năm 2005, trở thành cán bộ của VNPT từ năm 1992.
Đã trải qua nhiều vị trí công tác tại Bưu điện TP.HCM trước đây và được bổ nhiệm làm Giám đốc Viễn thông TP.HCM.
Từ tháng 12/2013, được bổ nhiệm làm Thành viên HĐTV, Phó tổng giám đốc VNPT.
Tháng 4/2015, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và Phó bí thư Đảng ủy Tập đoàn VNPT.
Ngày 15/6/2020, được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT.
VNPT đang nắm giữ nhiều lợi thế, mà lợi thế cạnh tranh lớn nhất, theo ông Long, là “nói thật, làm thật”, “nói được, làm được”. Điều này đã được chứng minh qua rất nhiều dự án mà VNPT triển khai trong thời gian qua. Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia được triển khai 2 - 3 năm vẫn không hoàn thành, nhưng khi VNPT được giao, thì chỉ 4 - 6 tháng đã đưa được vào hoạt động thông suốt.
Hay Cơ sở dữ liệu dân cư là ước vọng hơn 10 năm, đến khi được giao cho VNPT, thì chỉ trong vòng 1 năm đã được trình làng. Còn ở địa phương, khi các tỉnh giao “đề bài”, VNPT bảo “làm được”, thì chắc chắn đúng thời hạn. “Chúng tôi chấp nhận hy sinh, thiệt thòi trước mắt để có được thành quả dài hạn cho đất nước, cộng đồng”, ông Long nói.
Là một trong 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VNPT đã biết khai thác yếu tố cạnh tranh nổi trội này. “Việc chuyển đổi số thành công cho 19 đơn vị đầu tàu này sẽ kéo hàng chục ngàn doanh nghiệp chuyển đổi số đi theo”, ông Long làm rõ lợi thế thứ hai của VNPT.
Lợi thế thứ ba là VNPT có đội ngũ nhân sự vừa lành nghề, thiện chiến, lại giàu kinh nghiệm, tỏa đến tận cấp xã, gần 27 triệu hộ gia đình, hơn 600.000 doanh nghiệp. Đây là tài sản lớn nhất để VNPT có thể tự tin cạnh tranh với các nhà cung cấp khác.
“Không doanh nghiệp nào có thể có nguồn nhân lực, hạ tầng đến tận cơ sở như VNPT. Người VNPT thống nhất mục tiêu, tinh thần chiến đấu vì màu cờ sắc áo, phục vụ khách hàng là số một. Điều đó đã và tiếp tục tạo nên sức mạnh cho VNPT”, ông Long khẳng định chắc nịch.
Chỉ ra những lợi thế trên, ông Long đang hướng người VNPT về một “miền đất mới”, không chỉ đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng cho Tập đoàn trong tương lai, mà còn khơi dậy khát vọng chinh phục thử thách mới trong mỗi người. VNPT đang trên hành trình tìm lại chính mình sau quá trình tái cấu trúc thành công vừa qua. Khát vọng đưa VNPT trở lại ngôi vị số 1 và vươn ra thế giới chưa bao giờ ngừng lại.
“Cảm hứng sáng tạo, khát vọng chinh phục mọi đỉnh cao công nghệ và trái tim tận tụy phục vụ khách hàng chính là nền tảng để VNPT dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc số, đưa Tập đoàn trở thành trung tâm dịch vụ số hàng đầu khu vực Đông Nam Á”, ông Phạm Đức Long chia sẻ.
Những con số ấn tượng
Năm 2020, VNPT đạt tổng doanh thu hơn 162.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 5.200 tỷ đồng.
Giai đoạn 2015 - 2020, Tập đoàn đạt mức tăng trưởng doanh thu bình quân 6,53%/năm, tăng trưởng lợi nhuận trên 20%/năm.
Giai đoạn 2020 - 2025, VNPT đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu bình quân 5 - 7%/năm; tăng trưởng lợi nhuận 6 - 8%/năm; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng 5%/năm. Đặc biệt, doanh thu từ dịch vụ số và công nghệ thông tin - truyền thông đạt 25 - 30% trong cơ cấu doanh thu; năng suất lao động bình quân tăng 7%/năm và tiền lương tăng 5%/năm.