Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho rằng vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất, cán cân trong quy hoạch ngành thì Hiệp định CPTPP sẽ không mang lại lợi ích. (Ảnh: Vnexpress). |
Phát biểu trong phiên hiến kế thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra sáng ngày 2/5/2019, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định: CPTPP là xương sống của ngành dệt may Việt Nam nhưng xương sống không lôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng.
"Quy hoạch ngành dệt may hiện đã lỗi thời, ngành dệt may cần có Quy hoạch mới phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Hiệp hội kiến nghị rất nhiều tới Bộ Công Thương và chính phủ trong thời gian qua".
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho rằng vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất, cán cân trong quy hoạch ngành thì Hiệp định CPTPP sẽ không mang lại lợi ích cho ngành.
“Các giải pháp của Chính phủ, định hướng chiến lược trong tầm nhìn nói chung và dệt may da giày nói riêng phải đáp ứng yêu cầu nước, điện, lao động... Vai trò của chính phủ phải hoạch định, không để các địa phương tự cho các nhà đầu tư vào mở. Một số địa phương dị ứng với các ngành dệt may, đặc biệt hóa nhuộm, Nếu không có hạ tầng, đừng có nói mời ai vào", ông Giang bày tỏ quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA).
Đại diện Vitas cũng cho rằng, định hướng của Nhà nước trong chiến lược phát triển nguồn lực rất cần thiết. Đặc biệt, ngành dệt may đang thiếu trầm trọng lực lượng kỹ sư ngành hoá nhuộm. Nếu không có đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm thì ngành dệt may nói chung không có điều kiện phát triển.
Ngành dệt may rất cần giải pháp để khắc phục nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng của ngành để có cơ hội phát triển hơn nữa.
"Cụ thể, phải có những định hứơng của Chính phủ, Bộ Công thương để tạo dựng nền tảng", ông Giang chia sẻ.
Ông Giang cũng kiến nghị, khẩn trương xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Thứ hai, Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành cônng nghiệp dệt may da giày.
Tiếp đến là cần sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý nhưng khi triển khai hiệp định các cơ quan quản lý, địa phương cần thực sự thấm nhuần để ngành phát triển bền vững.
Bởi nếu chỉ nói đến lợi ích, không nói đến tồn tại và đưa ra giải pháp thì ngành không có điều kiện bứt phá.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 36 tỷ USD, tuy nhiên, trong cơ cấu xuất khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 65%. Dù quy mô ngành lớn, xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng không mạnh và dễ bị tổn thương, sản xuất còn bị “thắt cổ chai” bởi phần lớn lượng vải phục vụ làm hàng xuất khẩu và nội địa đều phụ thuộc nhập khẩu, nên giá trị gia tăng không lớn.
Ngành sợi đã phát triển tốt, nhưng vì khâu sản xuất vải không phát triển được vì thiếu nhuộm nên sợi bị tắc nghẽn, 2/3 lượng sợi sản xuất ra phải xuất khẩu. Nếu không có vải, một loạt FTA thế hệ mới đã ký kết, với điều kiện xuất xứ từ vải trở đi sẽ bị giảm giá trị đi rất nhiều.
Theo tính toán của ngành dệt may, ngành hiện đang thiếu vải trầm trọng, chi nhập khẩu vải hàng năm vẫn hơn chục tỷ USD. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu khoảng 12,8 tỷ USD vải.
Từ nay đến 2020, cần thêm 1,7 tỷ mét vải phục vụ sản xuất, nếu không nhập khẩu thì phải có 1,7 tỷ USD để đầu tư sản xuất vải. Đến 2025, cần 10 tỷ mét vải, thì tương ứng cần 10 tỷ USD vốn đầu tư. Bởi vậy, ngành dệt may cần có một chiến lược cho đầu tư sản xuất vải, muốn thế thì phải có các khu công nghiệp để thu hút vốn FDI, vốn trong nước vào nhuộm, có nhuộm rồi thì mới có vải.