Sự băn khoăn của các cổ đông nằm ở chỗ “đã không được chia tiền cổ tức lại phải bỏ tiền ra để mua cổ phiếu phát hành thêm nhằm có tiền để đầu tư Dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát”. Nhiều ý kiến đã đề nghị giãn thời gian thực hiện Dự án để cổ đông không phải bỏ tiền ra mua cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) diễn ra sáng nay (10/3) |
Dẫu vậy theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT HPG, việc phát hành cổ phiếu để huy động vốn là để phục vụ cho triển khai của giai đoạn 2, trong khi giai đoạn 1 đã thu xếp xong vốn.
“Việc không chia cổ tức là bắt buộc để có tiền thực hiện ngay giai đoạn 1 của Dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát”, ông Long nói và cho biết, Dự án thép tại Dung Quất được chia làm 2 giai đoạn và cần 40.000 tỷ đồng vốn cố định.
Tính tới ngày 31/12/2016, vốn chủ sở hữu của HPG đã đạt trên 20.000 tỷ đồng và doanh nghiệp đã quyết định trích 10.000 tỷ đồng, đồng thời vay VietinBank 10.000 tỷ đồng nữa để đủ 20.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1.
“Chúng tôi làm rất thận trọng, vì vậy đã chọn phương án vốn chủ sở hữu chiếm 50% thay vì 30% như thông thường. Ban đầu chúng tôi dự tính 18 tháng sau mới làm tiếp giai đoạn 2 nhưng bàn đi tính lại thấy với hệ thống bán hàng hiện có và tiêu thụ tốt nên thấy cần làm luôn, thay vì chờ tới 18 tháng sau. Vì vậy, đã đàm phán với ngân hàng là sẽ triển khai giai đoạn 2 sau giai đoạn 1 là 8 tháng. Như vậy, với số vốn cần có là 20.000 tỷ đồng nữa của giai đoạn 2 và vẫn triển khai theo phương thức 50% vốn tự có và 50% vốn vay ngân hàng thì HPG phải phát hành cổ phiếu mới có tiền”, ông Long nói và cho biết thêm, nếu không làm giai đoạn 2 của Dự án thì cũng không cần phát hành thêm cổ phiếu.
Dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát với quy mô 4 triệu tấn sản phẩm gồm 2 triệu tấn thép cán dài xây dựng và 2 triệu tấn thép cán nóng/năm được xem là động lực để HPG tiếp tục phát triển với vị thế mới, mà mục tiêu là đạt 100.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2020.
Trước thực tế Dự án thép của Tập đoàn Formosa tại Hà Tĩnh có sự cố môi trường thời gian qua, khiến Nhà máy phải dừng hoạt động, ông Long cũng cho hay, công nghệ sản xuất thép của HPG có sự khác biệt với Formosa. Đó là hướng tới thu hồi nhiệt, tuy không đem lại lợi ích về tiền nhưng môi trường sẽ tốt hơn.
Ông Long cũng cho hay, tại Dự án khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát, vấn đề môi trường sẽ là số 1, chi phí cho môi trường sẽ chiếm từ 25-30% tổng chi phí dự án và “xin cổ đông yên tâm” bởi “ta phải tự bảo vệ ta trước khi chờ người khác bảo vệ” và vì cộng đồng.
Dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát cũng được xem là có nhiều lợi thế như cảng biển, đón tàu lớn vào và có thể khép kín quy trình sản xuất, xuất khẩu hàng thuận tiện cả vào Nam, ra Bắc.
Bởi vậy HPG cũng đặt mục tiêu đưa biên lợi nhuận của Dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát khi đi vào hoạt động tốt như Khu liên hợp Gang thép Hải Dương hiện nay.
Tại Đại hội, HPG cũng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.000 tỷ đồng, cao hơn kết hoạch được đưa ra cuối năm 2016 là 1.000 tỷ đồng. Việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2017 tăng thêm 1.000 tỷ đồng lợi nhuận xuất phát từ thực tế kinh doanh và tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm.
“Kết quả 2 tháng đầu năm khá tốt, nên HĐQT quyết định điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận, chủ yếu tăng ở mảng thép, còn các mảng khác không thay đổi", ông Long nói và cho hay, HPG vẫn đạt 1.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 2 tháng đầu năm và dự tính quý I/2017 đạt không dưới 1.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.