Bà Hạnh đánh giá, khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải hiện nay đều liên quan đến dòng tiền, khi không có thanh khoản, không có đơn hàng mới.
Trong khi đó, hàng loạt chi phí về sản xuất, lao động, bảo hiểm, công đoàn, logistics,… vẫn phải duy trì.
Thực tế này khiến không ít lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ rơi vào trạng thái rối bời, bởi không xác định được thị trường, chân dung khách hàng sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm.
Còn các doanh nghiệp quy mô lớn nhưng vẫn hoạt động theo phương thức truyền thống lại phải loay hoay tìm cách “vá lỗ thủng” của thị trường.
Bà Hạnh nhận thấy, mọi quyết định của nhóm doanh nghiệp này đều được thông qua các cuộc họp trực tiếp thay vì trực tuyến; phụ thuộc vào hội chợ để tiếp thị, thăm dò nhu cầu về sản phẩm mới,…
Bên cạnh đó, tìm hiểu về các công cụ công nghệ hay nắm bắt thông tin đa dạng qua các trang mạng xã hội,…chưa xuất hiện trong mối quan tâm của không ít lãnh đạo doanh nghiệp mà bà Hạnh đã tiếp xúc trong thời gian qua (từ khi đại dịch tác động đến nền kinh tế trong và ngoài nước). Họ cho rằng, đây là công việc của nhân viên IT.
Bà Vũ Kim Hạnh (cầm micro) chia sẻ tại Hội thảo Vietnam Business Outlook 2021 do nhóm Quản lý doanh nghiệp tổ chức chiều 04/12 tại TP.HCM (Ảnh: HP). |
Dự tính về tình hình kinh tế sẽ tiếp tục bất định, ít nhất kéo dài đến hết năm 2021, theo bà Vũ Kim Hạnh, xu hướng số hoá có thể được tận dụng, bắt đầu từ việc chẩn đoán lại “sức khoẻ” nội tại của doanh nghiệp để tìm ra giải pháp riêng, dựa theo sự phù hợp của từng quy mô, ngành hoạt động.
Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng nhấn mạnh vào “sức mạnh” của việc tiến gần đến người tiêu dùng để lắng nghe rõ nhất nhu cầu của họ.
Từ đó, cung cấp các sản phẩm/dịch vụ không chỉ phù hợp thị hiếu mà còn đạt các tiêu chuẩn trong sản xuất, gieo trồng.
Tại một hội thảo được tổ chức gần đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động cũng cho rằng, khi gần và lắng nghe được “hơi thở” của người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể lựa chọn con đường phải đi.
Nhà bán lẻ này nhận thấy, sức mua đã và đang sụt giảm mạnh do xuất khẩu giảm, thu nhập của người lao động sụt giảm.
“Sự sụt giảm này sẽ không diễn ra ngắn hạn mà âm ỉ rất lâu. Trong khủng hoảng, ai cố gắng để trở thành người ở lại cuối cùng trên thị trường sẽ là người thành công”, Chủ tịch Thế giới di động chia sẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư/Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê TP.HCM đã triển khai công tác điều tra các doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến (Webform) trên hệ thống mạng của Tổng cục Thống kê từ ngày 10/9/2020 đến ngày 20/9/2020.
Kết thúc điều tra, đã có 31.338 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM tham gia trả lời cuộc khảo sát, chiếm khoảng 14% tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động.
Theo kết quả của cuộc điều tra này, có 82,63% doanh nghiệp cho rằng vẫn đang phải chịu tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cũng có 4,41% số doanh nghiệp nhận được ảnh hưởng tích cực từ dịch.
Theo quy mô, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ đại dịch càng cao.
Nhóm doanh nghiệp lớn (chiếm 5,61% tổng số doanh nghiệp trả lời) là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực nhiều nhất với 87,07%.
Có 70% doanh nghiệp được khảo sát có nhu cầu vay vốn, nhưng trong đó, 93% đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay vì quy trình, thủ tục vay phức tạp, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp,…