Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch - Tổng giám đốc Tập đoàn Kosy phát biểu tại Hội nghị |
Các kiến nghị của ông Cường xoay quanh các vấn đề giải phóng mặt bằng dự án theo cơ chế tự thỏa thuận; thời điểm xác định giá đất và tiền sử dụng đất; thu hồi các dự án chậm tiến độ đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Cùng với việc kiến nghị, ông Cường đưa ra các giải pháp phù hợp đề nghị Thủ tướng chính phủ xem xét.
Thứ nhất, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng theo cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận. Đây là cơ chế hợp lòng dân, hạn chế khiếu kiện, nhưng rất khó để có thể thỏa thuận được 100% đất đai thuộc dự án. Thực tế, luôn tồn tại số ít cá nhân có quyền sử dụng đất yêu cầu giá đền bù rất cao, không hợp lý, nhà đầu tư không thể đồng ý, và giải phóng mặt bằng ở trạng thái xôi đỗ, dự án không thể triển khai được.
Rất nhiều nhà đầu tư lâm vào tình cảnh rất khó khăn, bị treo tiền ở phần đất đai đã được thỏa thuận, mà không có cách gì để giải quyết nốt phần đất đai còn lại - chưa được thỏa thuận, mặc dù đó là thiểu số, là rất ít nên dự án kéo dài, chậm tiến độ gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Vì vậy, ông Cường kiến nghị với thủ tướng, đối với những dự án giải phóng măt bằng theo cơ chế thỏa thuận, nên đưa ra quy định nhà đầu tư thỏa thuận được tối thiểu 70%, thì Nhà nước sẽ quyết định theo một trong hai phương án: Nhà nước quyết định thu hồi đất đối với những trường hợp không đồng thuận này, hoặc nhà đầu tư được khởi kiện ra tòa án, tòa sẽ quyết định mức giá bồi thường và tổ chức thi hành.
Thứ hai, thời điểm xác định tiền sử dụng đất nộp cho Nhà nước. Trên thực tế, việc triển khai đấu thầu dự án có sử dụng đất, đang còn bất cập lớn về xác định giá đất.
Sau khi trúng thầu dự án, nhà đầu tư triển khai thực hiện nhiều bước, của quy trình đầu tư xây dựng dự án, mà vẫn không biết chính xác chi phí tiền sử dụng đất là bao nhiêu, do đó không thể biết chính xác hiệu quả của dự án, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư.
Do vậy, theo ông Cường, việc đấu thầu dự án có sử dụng đất, thì giá đất và tiền sử dụng đất phải được xác định từ trước khi đấu thầu dự án và là một yếu tố trong gói thầu, không thể đấu thầu dự án mà không có giá đất, hoặc giá đất khi đấu thầu chỉ là một con số tượng trưng.
Thứ ba, việc thu hồi dự án khi chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng. Theo quy định hiện nay, đối với các dự án chậm tiến độ sử dụng đất, Nhà nước thu hồi đất, kèm theo mọi tài sản nhà đầu tư đã đầu tư trên đất. Cơ chế thu hồi “trắng” như vậy là một bất cập, khi cả Hiến pháp và Luật Đầu tư đều khẳng định, việc Nhà nước bảo hộ tài sản đã đầu tư của nhà đầu tư.
Khi nhà đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất, tức là vi phạm pháp luật đất đai, thì Nhà nước có thể phạt bằng tiền, có thể tính thuế cao, có thể thu hồi lại đất đã giao, nhưng không thể tịch thu tài sản của nhà đầu tư đã đầu tư trên đất, kể cả tiền sử dụng đất mà nhà đầu tư đã nộp cho Nhà nước..
Hơn nữa, cơ chế thu hồi “trắng” tài sản của nhà đầu tư như vậy, là trái với nội dung Nghị quyết số 19 NQ/TW ngày 31/10/2012, thông qua Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, là Nhà nước thực hiện chính sách thuế luỹ tiến, đối với các dự án đầu tư chậm, hoặc bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn, theo quy định của pháp luật.
Do vậy, ông Cường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013, theo hướng xử lý đối với những dự án chậm tiến độ sử dụng đất, bằng cách đánh thuế luỹ tiến như nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW, hoặc có thể phạt nhà đầu tư bằng tiền, để buộc nhà đầu tư phải tự quyết định, hoặc tìm cách tập trung đầu tư, hoặc tìm nhà đầu tư khác liên doanh, hoặc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác, mà không cần Nhà nước phải can thiệp.
Những kiến nghị trên đã nhận được sự quan tâm, chú ý của chính phủ và đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản có mặt tại sự kiện này. Ông Cường kỳ vọng những ý kiến trên sẽ góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp bất động sản hoạt động tốt hơn, ổn định hơn, góp phần phát triển đất nước.