Theo Lefaso, năm 2017 xuất khẩu giày dép, túi xách chạm 18 tỷ USD và mốc 20 tỷ trong năm 2018 không quá xa |
Phát biểu tại Tổng kết ngành da giày năm 2017 diễn ra sáng nay (12/1) tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, đầu năm 2017 với việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành da giày đã lo khó chạm đến 18 tỷ USD giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu vẫn diễn ra suôn sẻ, và cán đích 18 tỷ USD, duy trì mức tăng gần 11%.
Sự nỗ lực của doanh nghiệp được ông Thuấn chỉ rõ, đáng mừng hơn cả là số lượng doanh nghiệp làm hàng có tỷ trọng chất xám cao ngày càng gia tăng với giá bình quân cao hơn nhiều hàng đại trà, là lý do thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng.
“Với tình hình thị trường như năm 2017 và dự báo 2018, kim ngạch xuất khẩu cả giày dép, túi xách đạt 20 tỷ USD là không quá khó”, ông Thuấn khẳng định.
Theo số liệu của Lefaso, hết năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 17,93 tỷ USD, tăng 10,7%, trong đó xuất khẩu giày dép đạt 14,67 tỷ USD, tăng 12,8%, túi cặp, va li các loại đạt 3,26 tỷ USD, tăng 2%.
Năm qua, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng, chiếm 80,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong đó FDI chiếm tỷ trọng 80,5% đối với giày dép và 81,1% đối với túi xách.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày, với 5,835 tỷ USD 11 tháng 2017, tiếp đến là EU với 4,949 tỷ USD.
Nhật Bản đã không còn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành da giày, mà thế vào vị trí đó là Trung Quốc, với kim ngạch đạt gần 1,2 tỷ USD (số liệu 11 tháng năm 2017).
Xuất khẩu sang Đức cũng đã cán mốc 1.046 tỷ USD, trong khi sang Nhật xấp xỉ 1 tỷ USD.
Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.