Doanh nghiệp
Chủ tịch Mekophar: Nếu là nhà đầu tư “lướt sóng” thì không nên mua cổ phiếu MKP
Hồng Phúc - 19/04/2018 21:20
Công ty Nipro Pharma Corporation đã trở thành đối tác chiến lược của CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP) khi sở hữu 18,58% vốn tại MKP. Đây là nhân tố quan trọng hứa hẹn làm nên thành công trong kế hoạch xuất khẩu 1 tỷ viên thuốc đến năm 2020 của MKP.

Xuất khẩu 1 tỷ viên thuốc 

Mekophar được biết đến là một trong những doanh nghiệp dược đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và là công ty dược duy nhất của Việt Nam sản xuất nguyên liệu kháng sinh Betalactam cung cấp cho các công ty dược trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, trước yêu cầu tăng trưởng, Mekophar đã thành lập nhà máy sản xuất thuốc Nonbeta Lactam tiêu chuẩn PIC/S, nhằm giúp Công ty phát triển bền vững hơn. 

.

Bà Huỳnh Thị Lan, Chủ tịch HĐQT Mekophar cho biết: “Các sản phẩm từ nhà máy này sẽ đạt thuốc nhóm 1 (đạt chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP-PV) thay vì chỉ nằm trong nhóm 3 như đa phần công ty dược hiện tại trên thị trường (tức đạt tiêu chuẩn WHO-GMP được Bộ Y tế Việt Nam cấp giấy chứng nhận). Bởi cần đạt nhiều tiêu chuẩn cao mới có thể xuất khẩu thành công dược phẩm qua các nước khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản...”.

Cũng theo bà Lan, thời gian hoàn vốn nhà máy này khoảng 12 năm. Theo đó, đến quý III/2018, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động và ưu tiên cho việc xuất khẩu, trong thời gian đầu với 380 triệu viên, con số này sẽ tăng lên 1 tỷ viên (chiếm 50% công suất nhà máy) vào năm 2020. “Đây mới chỉ là đặt hàng từ một đối tác và chúng tôi không thể tiết lộ những khách hàng đang trong quá trình tìm hiểu”, Chủ tịch Mekophar nói.

Sự tham gia đầu tư của Nipro đã “tạo thêm sức sống” cho Mekophar. Hiện, Nipro có 3 mảng kinh doanh chính: vật tư y tế, dược phẩm và bao bì dược. Trong số 9 nhà máy của công ty (8 ở Nhật và 1 nhà máy 150.000 m2 tại Hải Phòng - Việt Nam), mới chỉ có 3 nhà máy ở Nhật Bản sản xuất dược phẩm, còn lại là sản xuất dụng cụ y tế, bao bì dược và nghiên cứu. Nipro cũng đang lên kế hoạch xây thêm xưởng mới ở nhà máy tại Hải Phòng để sản xuất thuốc, cũng như hợp tác sản xuất thuốc viên cùng Mekophar. Có lẽ đây là một mảnh ghép quan trọng trong chiến lược gia tăng sản lượng thuốc generic giá thành rẻ cho cả thị trường châu Á của Nipro.

Chưa dừng lại ở đó, một “viên thuốc” quan trọng với Mekophar còn đến từ ngân hàng tế bào gốc với nhiều tiềm năng. Từ năm 2008, Công ty  mở một công ty con (Mekostem) chuyên dịch vụ ngân hàng tế bào gốc như cung cấp các dịch vụ về thu thập, phân tích, xử lý tách tế bào, bảo quản các loại tế bào gốc từ máu theo nhu cầu dựa trên công nghệ được chuyển giao độc quyền từ Tập đoàn CellResearch (Singapore), cho phép Mekophar là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể lưu trữ tế bào màng dây rốn.

Đây cũng là mảng đóng góp doanh thu, lợi nhuận lớn cho Mekophar. Doanh thu từ hoạt động này đã tăng gần 8 lần, từ 9 tỷ đồng năm 2011 lên 70 tỷ đồng năm 2017 và dự tính tăng thêm 5 tỷ đồng trong năm 2018. Bà Lan cho biết, đến nay, Mekostem đã hợp tác với 83 bệnh viện và là đơn vị duy nhất trong nước thu thập mẫu tại các tỉnh ngoài TP.HCM và Hà Nội.

Không nên mua MKP nếu chỉ để lướt sóng

Mekophar được thành lập từ năm 1975, năm 2001 chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Hoá - Dược phẩm Mekophar, với vốn điều lệ ban đầu là 36 tỷ đồng. Đến năm 2010, Công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã MKP. 

Lợi nhuận của Mekophar sẽ tăng tốc từ năm 2020 khi nhà máy PIC/S chính thức xuất khẩu lượng lớn sản phẩm đến thị trường Nhật Bản.

Năm 2017, doanh thu của Mekophar đạt 1.394 tỷ đồng, tăng 7,88% so với năm 2016 và vượt 7,25% so với kế hoạch năm 2017, với tổng lợi nhuận trước thuế trên 153 tỷ đồng, vượt 39,29% so với kế hoạch. Tuy nhiên, trong khi chỉ tiêu doanh thu năm 2018 được kỳ vọng đạt 1.400 tỷ đồng thì lợi nhuận trước thuế chỉ còn 110 tỷ đồng. Theo Ban lãnh đạo Mekophar, lý do là nhà máy mới xây dựng đang trong giai đoạn thẩm định, chạy không tải máy móc thiết bị, chưa sản xuất được sản phẩm nên chưa thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng. 

Một số công ty chứng khoán cho rằng, biên lợi nhuận gộp của Mekophar sẽ duy trì quanh mức 21% cho đến năm 2019 và tăng lên 24% vào năm 2020 do sản lượng tăng cao từ nhà máy mới. Thêm vào đó, mảng ngân hàng tế bào gốc được kỳ vọng có thể tăng trưởng với tốc độ khoảng 20%/năm, và ngày càng đóng góp lớn hơn vào lợi nhuận của Mekophar (chiếm 22% lợi nhuận gộp vào năm 2020).

Ngoài ra, Mekophar còn thông qua phương án phát hành thêm 3,8 triệu cổ phiếu, tương đương 20% cổ phiếu đang lưu hành để tăng vốn điều lệ với giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành khoảng 153 tỷ đồng được dùng để tài trợ vốn đầu tư vào giai đoạn II của dự án nhà máy mới tại Khu công nghệ cao TP.HCM khoảng 680 tỷ đồng và Dự án xây dựng tòa nhà văn phòng tại 17-27 đường 281 - Lý Thường Kiệt  (quận 11) khoảng 120 tỷ đồng từ nay đến năm 2020.

Thêm vào đó, Mekophar sẽ phát hành 950.000 cổ phiếu, tương đương 5% cổ phiếu đang lưu hành cho cán bộ chủ chốt với 10.000 đồng/cổ phần. Chủ tịch Mekophar cho rằng, lợi nhuận của Công ty sẽ tăng tốc từ năm 2020 khi nhà máy PIC/S chính thức xuất khẩu lượng lớn sản phẩm đến thị trường Nhật Bản và thẳng thắn khuyến nghị, nếu là nhà đầu tư “lướt sóng” thì không nên mua cổ phiếu của Mekophar.

Tin liên quan
Tin khác