Quang cảnh Đại hội. |
Nhiệm kỳ qua, kinh tế Thanh Hoá liên tục tăng trưởng ở mức cao, tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm luôn đạt hai con số; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,1%, vượt mục tiêu Đại hội, gấp 1,5 lần giai đoạn 2011 - 2015.
Đến nay, quy mô kinh tế của tỉnh đã đứng thứ 8 cả nướcvà cao nhất trong các tỉnh Trung bộ. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán và tăng cao so với đầu nhiệm kỳ; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm đạt 18,1%, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; đến nay kết quả thu ngân sách của tỉnh đã đứng thứ 11 cả nước.
Nhiều dấu ấn nổi bật
Với Thanh Hoá, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là một giai đoạn đầy ắp những sự kiện trọng đại và đã xác lập được nhiều dấu mốc quan trọng mà từ trước đến nay chưa bao giờ có được; trong đó có 06 dấu ấn nổi bật:
Một là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; nhiều dự án lớn đã và đang triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 610 nghìn tỷ đồng; gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Đại hội. |
Hai là, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu đi vào vận hành vào ngày 23-12-2018. Nhà máy đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, cho thu ngân sách Nhà nước và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ba là, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh đã có 08 đơn vị cấp huyện, 313 xã và 740 thôn, bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 65,75%, thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Bốn là, sau nhiều quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo và trăn trở của các đồng chí lãnh đạo; của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở 3 nhiệm kỳ gần đây, đã xác định được năm 1029 - năm Thiên Thành thứ hai, đời vua Lý Thái Tông là năm đầu tiên xuất hiện danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.
Năm là, trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy; là một trong số ít các địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện các Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về sắp xếp, tinh giản bộ máy tổ chức ở các cấp.
Sáu là, ghi nhận những đóng góp của Thanh Hóa trong tiến trình dựng nước và giữ nước, đồng thời đánh giá cao những thành tựu mà Thanh Hóa đã đạt được từ trước đến nay, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020; Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58 ngày 05-8-2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hoá trình bày Báo cáo Chính trị tại Đại hội. |
Mục tiêu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước
Báo cáo Chính trị do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng trình bày tại Đại hội nêu rõ phương hướng chung của nhiệm kỳ tới đó là phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Để đạt được mục tiêu, Đại hội xác định 6 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá, 5 trụ cột tăng trưởng trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Về chương trình trọng tâm, gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu Công nghiệp; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.
3 khâu đột phá gồm: Đột phá về phát triển hạ tầng; Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ…
5 trụ cột tăng trưởng được xác định bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Du lịch; Y tế và Phát triển hạ tầng.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận: Nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh tình hình đất nước, khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, khó lường, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; Thanh Hóa nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
“Bước vào giai đoạn mới, đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Là tỉnh có vị trí chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng - an ninh, với nguồn tài nguyên phong phú, đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian qua; Thanh Hóa cần khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, sớm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Với sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân, tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng với thời cơ, vận hội mới, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, xây dựng Thanh Hóa phát triển toàn diện, ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.