Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. |
Năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng rất nóng, đây là điểm rất khác so với các năm trước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, sáng 25/4.
Đây là nội dung định kỳ hàng năm phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên trong năm.
Hơn 214.000 tỷ đồng đến hạn có trả được không
Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, năm 2021, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu “nóng”; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định. Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.
Cho rằng, nên nêu đậm vấn đề này thành mục riêng khi báo cáo ra Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nói, năm 2021, theo con số được công bố công khai thì huy động trái phiếu doanh nghiệp đến hơn 700.000 tỷ đồng, trong đó, 44% liên quan đến lĩnh vực bất động sản, có đúng không?.
Nếu như năm 2017 dư nợ của trái phiếu Chính phủ mới có 3,7% thì giờ lên 14 - 15% GDP rồi, mà quan trọng là năm 2021, Chính phủ rà soát số đến hạn là hơn 214.000 tỷ đồng, có trả được không, Chủ tịch Quốc hội lo ngại.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây đến hạn, dòng tiền có thì doanh nghiệp lấy ra trả hoặc tính toán đi vay để trả, nhưng giờ cả vay trả nợ cũng bị siết. Rồi tác động của Covid-19 không có dòng tiền để trả. Không trả được thì nguy cơ vỡ nợ. Đây có phải là vấn đề lớn để Chính phủ quan tâm giải quyết không, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Nhấn mạnh 2021 là năm tăng trưởng, rất nóng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Ủy ban Tài chính - ngân sách, Ủy ban Kinh tế phải giám sát việc này.
"Đây là vĩ mô. Mà đến hạn không trả được có những doanh nghiệp rao bán dự án để trả nợ, nhưng dự án đã đầy đủ cơ sở pháp lý đâu mà bán. Hai là có đầy đủ pháp lý cũng có ai mua không khi mà đang vướng vào các sai phạm. Không trả được thì vỡ nợ thôi. Đây là điểm rất khác so với các năm trước", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Ông cũng nói thêm là, năm 2021, Bộ Tài chính giảm huy động trái phiếu được mấy chục ngàn tỷ là rất tốt, bớt lãng phí cho Nhà nước, cần biểu dương.
Một vấn đề khác, theo Chủ tịch Quốc hội cũng cần làm rõ hơn là tình trạng mua sắm vật tư, thiết bị, phòng chống dịch Quốc hội đã có Nghị quyết, Chính phủ đã có Nghị quyết nhưng vì sao nhiều nơi không dám mua, ách tắc.
Chúng ta hướng dẫn việc A, B, C nhưng lại theo quy định của pháp luật thì người ta "chết" rồi, không ai dám mua cả. Thực trạng đó là ách tắc, lãng phí. Cái này nhiều lắm. Có tiền, bố trí dự toán rồi nhưng không mua được. Ngược lại có anh mua lại sai phạm, điển hình nhất là vụ Việt Á, test, kit xét nghiệm, sai phạm của các CDC các tỉnh..., phải nói thẳng trong báo cáo, ông Vương Đình Huệ yêu cầu.
Một năm tiết kiệm mấy tỷ USD thì khiếp quá
Dẫn số liệu tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước, vốn tại doanh nghiệp của năm 2021 là 72.068 tỷ đồng, nhưng thiếu địa chỉ cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ""một năm tiết kiệm mấy tỷ USD thì khiếp quá" và băn khoăn vì không có phân tích chi tiết và minh chứng thuyết phục.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần luận giải thật chi tiết, ví dụ cắt giảm bao nhiêu chi thường xuyên, bao nhiêu chi phí đi nước ngoài để biết ngay tiêu tốn bao nhiêu, năm sau có cần đi nhiều thế không. Rồi địa phương nào, bộ ngành nào tiết kiệm nổi bật nhất, cũng đưa vào báo cáo với số liệu cụ thể chứ "tôi đọc chưa hiểu nơi nào tiết kiệm bao nhiêu, mấy tỷ đô la 1 năm thì khiếp quá", ông Vương Đình Huệ nhận xét.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải thay đổi cách viết báo cáo, còn như hiện tại không đọng lại cái gì cả, nêu chung chung còn một số hạn chế, còn một số địa phương, bộ ngành... kiểu ba sôi hai lạnh thì không có tác dụng gì.
Chẳng hạn, trong đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội nói tại sao năm 2020 cũng vẫn bổi cảnh dịch giã mà giải ngân được 98% mà năm 2021 chỉ được 83%? Rồi nơi nào đầu tư phân tán dàn trải, dự án nào chậm, cứ nói thẳng sân bay Long Thành đang chậm ra sao, cao tốc phía Đông chậm thế nào, lãng phí nguồn nhân lực ra sao.
"Cứ nói 1 số là 1 số nào, sao mà lắm 1 số thế, nơi nào yếu kém thì nêu đích danh, nơi nào tốt cũng nêu ra. Yếu kém có phải lỗi 1 phần của chúng ta không, chúng ta không cương quyết, không bày tỏ thái độ, anh nảo tốt phải biểu dương thật lực, kém thì phải phê bình, phải chịu trách nhiệm chứ không nói chung chung được", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Cho rằng nếu không thay đổi vài con số thì báo cáo vẫn y như năm trước, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng tình với Chủ tịch Quốc hội là báo cáo cần nêu bật cả kết quả và hạn chế so với năm trước. Còn với báo cáo này thì tình hình và con số đều không rõ, đồng thời không rõ cả nguyên nhân và trách nhiệm của hạn chế, yếu kém, ông Phương nhận xét.