Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận. |
Chiều 16/4, tiếp tục phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhân xét, dự thảo luật đã được chuẩn bị công phu, quy mô sửa khá nhiều và có bước tiến mới về tư duy.
Nhấn mạnh một số nội dung cụ thể, về chính sách phát triển công nghiệp dược, ông Huệ cho rằng, hiện nay, đa số thuốc thông thường Việt Nam tự sản xuất được, nhưng khoảng 90% nguyên liệu làm thuốc phải nhập khẩu và những thuốc đặc trị, thiết yếu đa số vẫn phải nhập khẩu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc phát triển ngành dược vừa là kinh tế, vừa liên quan chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, cần phải được hết sức quan tâm, có chính sách thúc đẩy phát triển. Bởi tiềm năng rất lớn nhưng thực tế ngành dược còn nhỏ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại Quyết định 376/2021 của Thủ tướng về chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 để luật hóa một số chính sách nhằm khuyến khích các ngành này phát triển mạnh hơn.
Như, cần có các chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao thông qua các quy định về lộ trình giảm giá thuốc, tăng tỷ lệ trích quỹ nghiên cứu phát triển với doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển thuốc mới.
Hay, thúc đẩy liên doanh hợp tác trong nước - nước ngoài thành chuỗi, đặc biệt trong các hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Theo ông Vương Đình Huệ, chính sách phân phối của Việt Nam đang còn có giới hạn nên cần tính đến việc liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng nhau sản xuất, phân phối, lưu thông... thành chuỗi trong, ngoài nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý có thể luật hóa một số chính sách ưu đãi về đầu ra của các sản phẩm của cơ sở sản xuất trong nước như trong đấu thầu mua sắm, lựa chọn thuốc điều trị, thanh toán chi phí thuốc chữa bệnh, bảo hiểm y tế...
Với trên 90% nguyên liệu nhập khẩu nên chăng có chính sách ưu đãi với thuế nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc. Tuy chính sách thuế quy định trong luật thuế nhưng tới đây cũng sẽ sửa một số luật thuế và biểu thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền Chính phủ, ông Huệ gợi ý.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, nguyên liệu phải nhập khẩu nhưng giá nhập khẩu cao thì giá thành thuốc sẽ đắt, dân phải mua thuốc đắt. Nên chăng có nghiên cứu chính sách bổ sung ưu đãi thuế nhập khẩu với nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc bao bì, tá dược, vỏ nang... Những thứ đã sản xuất được thì thôi nhưng thứ chưa sản xuất được nên có thuế ưu đãi để giảm giá thành, ông Huệ nêu ý kiến.
Cạnh đó, với các doanh nghiệp sản xuất trong nước như làm vắc xin, sinh phẩm y tế bằng ngân sách Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý lần sửa đổi này có cần chính sách ưu đãi gì không?.
Theo ông Huệ, các công ty, tập đoàn lớn sẽ có các trung tâm nghiên cứu, nhưng nên có trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành dược theo quy mô quốc gia do Bộ Y tế chủ trì. Vì đây thể hiện sự đầu tư của Nhà nước về phát minh, sáng chế ngành dược, thể hiện tinh thần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Lần sửa đổi này, Dự thảo Luật bổ sung quy định kinh doanh chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, doanh nghiệp dược phẩm có xu hướng mong muốn nới quy định kinh doanh thuốc trực tuyến để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân, vì thế, theo ông Huệ, dự thảo "cần tìm điểm cân bằng" giữa tạo thuận lợi trong kinh doanh thuốc và đảm bảo an toàn cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kinh doanh thuốc online là hình thức mới nên cần kiểm soát rất chặt, đánh giá tác động cụ thể. Cụ thể là dự thảo cần làm rõ việc cấp phép kinh doanh dược phẩm online được áp dụng cho doanh nghiệp có chuỗi nhà thuốc hay chỉ cấp từng cơ sở đơn lẻ. Bên cạnh đó, dự luật cần quy định chi tiết tiêu chuẩn nguồn hàng hóa; xử lý vi phạm; quy trình giao thuốc đến khách hàng; truy xuất nguồn gốc; pháp nhân chịu trách nhiệm xử lý khi xảy ra sự cố sử dụng thuốc.
Lưu ý từ Chủ tịch Quốc hội là Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần cân nhắc kỹ dựa trên lợi ích và rủi ro; đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới về vấn đề này. Làm sao tìm được điểm cân bằng nhất giữa sản xuất kinh doanh, lưu thông thuận lợi với đảm bảo minh bạch, an toàn cho người mua, ông Huệ góp ý.