Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Long. |
Ngày 28/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Long.
Cuộc làm việc nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, quý I/2022, việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Thông tin từ đây cho thấy, từ một tỉnh còn khó khăn nhưng Vĩnh Long đã vươn lên trở thành một tỉnh khá trong vùng Đồng bằng sồn Cửu Long (ĐBSCL) khi thu ngân sách trên 7.500 tỷ đồng, đứng thứ 6/13 tỉnh, thành trong vùng, tăng 38 lần so với năm 1992 và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 57 triệu đồng, tăng 37 lần. Tăng trưởng GRDP bình quân của giai đoạn trước đều trên 7%/năm.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng tới nay, 95% các doanh nghiệp trong khi công nghiệp và 90% doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường, tiền đề để tỉnh tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh và tập trung phục hồi phát triển- xã hội.
Tuy nhiên, Vĩnh Long cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển do kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp trong khi chịu tác động thường xuyên của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; hạ tầng thiết yếu chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, y tế; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp,...
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Vĩnh Long đã tích cực và kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Vĩnh Long bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV; đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ. Có giải pháp đột phá, quyết liệt để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, chú trọng vấn đề chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Vĩnh Long cần đặc biệt quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng và khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành và công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến 2020 trên cơ sở bám sát Quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt và các quy hoạch ngành quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tinh thần Nghị quyết 13 là tập trung phát triển đô thị tại chỗ và công nghiệp tại chỗ. Vĩnh Long tuy có diện tích nhỏ nhưng lại nằm ở khu vực trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, trên vành đai kinh tế, công nghiệp và đô thị Cần Thơ – Mỹ Thuận – Long An - Vĩnh Long và hành lang kinh tế dọc sông Tiền, sông Hậu nên tiềm năng phát triển là rất lớn. Do đó, phải hết sức quan tâm đến quy hoạch phát triển tỉnh Vĩnh Long, rà soát quỹ đất để phát triển đô thị và phát triển công nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay, Đoàn giám sát của Quốc hội đã hoàn thành công tác giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và có 2 kiến nghị rất quan trọng.
Một là cần đánh giá, tổng kết toàn diện Luật Quy hoạch và các luật có liên quan để tiếp tục hoàn thiện và hai là trình Quốc hội ban hành nghị quyết nhằm giải đáp, tháo gỡ những nút thắt, khó khăn trước mắt trong công tác quy hoạch, trong đó có những vấn đề đã được tỉnh kiến nghị.