Doanh nhân
Chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm 350 triệu USD: Ý tưởng, tri thức không còn ý nghĩa lớn ở nền kinh tế sáng tạo
Thanh Thủy - 29/08/2019 15:39
Ông Kamran - người từng thành công với 3 công ty kỳ lân liên tục nhấn mạnh, khi chỉ cần 4-5 phút cùng một chiếc điện thoại kết nối 4G, mọi tri thức đều có thể tìm kiếm, thì điều quan trọng ở nền kinh tế sáng tạo là một bộ óc có thể tạo ra sự đột phá.
Ông Kamran Elahian, Chủ tịch kiêm người sáng lập quỹ Global Catalyst Partners (Mỹ)

Nền kinh tế sáng tạo cần những bộ óc tạo ra sự đột phá

Nhận định ban đầu nghe tưởng chừng như vô lý trên được ông Kamran Elahian, Chủ tịch kiêm người sáng lập quỹ Global Catalyst Partners (Mỹ) chia sẻ tại Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội 2019 (Hanoi Innovation Summit) khai mạc sáng 29/8. Đây là diễn đàn quy mô cấp quốc gia và quốc tế, lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội bởi Tổ chức đổi mới sáng tạo toàn cầu Schoolab (Pháp), dưới sự bảo trợ của UBND TP Hà Nội cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Kamran Elahian là gương mặt không mấy xa lạ trong giới công nghệ. Ông là một doanh nhân công nghệ cao toàn cầu, sáng lập/đồng sáng lập 10  công ty. Trong 6 công ty mà ông bán lại, có tới 3 công ty kỳ lân giá trị trên 1 tỷ USD khi chào bán lần đầu ra công chúng, tổng vốn hóa thị trường hơn 8 tỷ USD.

Theo vị doanh nhân công nghệ này, ở nền kinh tế tri thức, kiến thức, ý tưởng và quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, ý tưởng lại không có nhiều giá trị trong nền kinh tế sáng tạo (innovation economy). Kể lại từ chính trải nghiệm của mình, ông Kamran cho biết ba công ty mà ông từng đầu tư thất bại không hẳn vì ý tưởng tồi, thậm chí một trong số đó là ý tưởng mà ông tâm đắc nhất.

“Tôi đã có ý tưởng tương tự như Ipad, bỏ tiền vào đó tới 40 triệu USD nhưng thất bại. Người khác với ý tưởng đó lại thành công kiếm được 80  triệu USD”, vị doanh nhân công nghệ cho hay. 

“Học nhiều, nhớ nhiều không có nhiều ý nghĩa. Khi nghe về một ý tưởng, với thiết bị kết nối Internet, ta có thể tìm được mọi câu trả lời trong vòng 5 phút. Điều quan trọng nhất là năng lực sáng tạo và bộ óc để tạo ra sự đột phá”, ông Kamran chia sẻ.

Amazon từ một cửa hàng sách nhỏ đã tạo ra bước đột phá thay thế mọi hiệu sách, Didi thay đổi ngành kinh doanh taxi là những dẫn chứng. Người đứng đầu quỹ đầu tư mạo hiệm Global Catalyst Partners (Mỹ) tin tưởng rằng ngân hàng hay các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đều sẽ thay đổi trong tương lai.

Thất bại là một bài học

Một điểm khá đặc biệt khi giới thiệu về mình lần đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn, một trong những điều ông Kamran nhắc đến đầu tiên là việc ông đã có ba công ty thất bại, bị đuổi việc 2 lần. Ông cũng cho biết đã sớm khởi nghiệp công ty đầu tiên khi 26 tuổi, thu về hàng triệu USD từ bán cổ phần năm 30 tuổi.

Điều quan trọng bên cạnh năng lực sáng tạo còn là việc vượt qua được e sợ thất bại. Lợi thế của những người trẻ tuổi là, họ thường  không biết sợ. Cùng đó, ý tưởng nằm trong đầu sẽ không có giá trị mà cần thương mại hóa.

Theo vị doanh nhân công nghệ này, Việt Nam cần tạo ra một quỹ để sinh viên học cách hiện thực hóa ý tưởng của họ, dù quy mô có thể nhỏ nhưng sẽ đóng vai trò vốn mồi. Sẽ không vô nghĩa nếu có thể rút ra những bài học từ thất bại, ngay tại thung lũng Silicon cũng có hàng nghìn công ty thất bại mỗi năm, lời khuyên này được ông Karman nhấn mạnh tại Diễn đàn.

Tin liên quan
Tin khác