Doanh nhân Louis Nguyễn |
1.
Louis là người thực tế, thẳng thắn nên cuộc nói chuyện cũng không vòng vo. Nếu câu hỏi dù có đáp án, nhưng Louis không muốn trả lời thì ông sẽ từ chối, chứ không vẽ lên ngôn ngữ của sự lừa dối.
Chưa bao giờ Louis xuất hiện trên truyền thông nhiều như năm 2018. Trong chương trình gọi vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư trở thành những cá mập (Sharks). Nhưng Louis không thích bị gọi là “Shark Louis”, vì cảm giác có khoảng cách với người đối thoại. Ông luôn muốn mọi cuộc nói chuyện phải chia đều trọng lượng cho cả 2 bên, ai cũng có quyền nói lên suy nghĩ, quan điểm mà không phải sợ hãi về sự có mặt của “cá mập” nguy hiểm.
Đến Mỹ hơn 3 thập kỷ, Louis cũng không thích được gọi là Việt kiều. Ba ông là người Sài Gòn, còn mẹ là người Hà Nội. Louis nói giọng Nam và tự cảm thấy chất Nam bộ đậm đà hơn. Louis thích được gọi là Lữ (tên đầy đủ là Nguyễn Thế Lữ do ông ngoại đặt cho) hoặc Louis cũng được, nhưng phải gọi theo âm Mỹ (Lou-is) chứ không phải âm Pháp (Lou-I)
Gia đình của Louis đến Mỹ với 2 bàn tay trắng khi Louis vừa 12 tuổi. 2 năm sau đó, Louis bắt đầu làm việc kiếm tiền và không tiếc những tràng cười khi nhắc lại những ngày tuổi thơ học tự lập.
“Bố mẹ luôn muốn con mình học giỏi. Nhưng, một đứa bé nhìn thấy gia đình mình không khá giả, phải tự lo, tự kiếm việc”, Louis nói. Những đồng tiền đầu tiên ông kiếm được từ việc làm vườn, phục vụ nhà hàng, làm đầu bếp, dạy trẻ em chơi tennis…
Sống trong lòng của Thung lũng Silicon, Louis giống 80% học sinh còn lại của vùng. Muốn thi vào ngành công nghệ để trở thành kỹ sư. Trớ trêu, các môn trong đợt thi cuối kỳ lần lượt trôi qua suôn sẻ, trừ Vật lý.
Louis cảm thấy cần thiết kế lại sự nghiệp. Một bài tính được đưa ra. Doanh nghiệp thời nào cũng cần kế toán và nếu biết tính toán tốt sẽ tự kinh doanh được.
Mọi việc diễn ra đúng như vậy. Sau tốt nghiệp Đại học San Jose, ngành tài chính, Louis trở thành kiểm toán viên tại KPMG, rồi Trưởng phòng tài chính tại Văn phòng kinh doanh của Apple, Quản lý tài chính Nhà máy sản xuất máy tính NEC Packard Bell (Acer) trước khi trở thành Giám đốc điều hành của Công ty quản lý Quỹ đầu tư Osprey Ventures, Phó chủ tịch Công ty M&A Intelligent Capital.
2.
Louis tự nhận, khi còn là một thanh niên, chỉ tập trung vào học hành, tennis, bạn bè và giải trí, còn gia đình, ông không đặt ở vị trí quan trọng. “Lúc đó tôi tệ lắm, ít dành thời gian cho gia đình, không giúp bố mẹ được gì”, Louis nghĩ lại và chỉ nhận ra điều đó khi bố qua đời vì bệnh tim.
Đó là một ngày cuối năm, 12 giờ đêm tại bệnh viện ở Mỹ, 50 người Việt thân, quen đến và ở lại chia buồn cùng gia đình Louis. “Những người da trắng chưa chắc sẽ làm như vậy nếu người thân họ mất. Họ chỉ đi đám tang hay tiễn khi chôn cất. Khi ấy, tôi mới nhận ra là phải tập trung vào gia đình và văn hoá nghĩa tình của người Việt Nam”, Louis nói và đến giờ vẫn chưa thể cắt nghĩa hoàn chỉnh cụm từ “tình nghĩa”.
Trong từ điển tiếng Việt, tình nghĩa là tình cảm thuỷ chung, hợp với lẽ phải, với đạo lý làm người. Còn Louis nghĩ, tình nghĩa và tử tế luôn song hành. Nhiều khi xem ai đó là một bộ phận trong cơ thể mình, tình nghĩa mới có đất sinh sôi.
Nhiều người kiêng nói về cái chết bởi xui rủi. Nhưng với Louis, cái chết chỉ đáng sợ khi ập đến mà nạn nhân của nó chưa có bất cứ sự chuẩn bị nào. Nó làm gián đoạn tất cả, xô đổ mọi giấc mơ và khát vọng chưa kịp thực hiện.
Louis kể về cách chuẩn bị di chúc sống (living trust - PV) của một gia đình bạn Mỹ da trắng chỉ vừa qua tuổi 30. “Tôi ngạc nhiên, nhưng họ nói, có con rồi thì phải biết sống trách nhiệm hơn. Giả dụ một ngày nào đó, hai vợ chồng lên máy bay và gặp sự cố, thì ít nhất, con cái họ có một sự bảo đảm nào đó về vật chất. Bởi ở Mỹ, chính quyền sẽ lấy 50% tài sản nếu người mất đi không để lại di chúc. Câu đó quá ý nghĩa đối với tôi. Đó là trách nhiệm với bản thân, gia đình để nhìn thẳng vào cuộc đời chứ không phải sợ xui rủi, thiên đàng - địa ngục…”, Louis chia sẻ.
Giá trị của cái chết thể hiện ở cách đã sống thế nào, những mối quan hệ tốt đã duy trì và về quỹ thời gian hạn hẹp còn lại.
Lạnh lùng và quyết liệt là điều nhiều người nói về Louis Nguyễn, Chủ tịch Công ty quản lý Quỹ Đầu tư SAM (Saigon Asset Management- SAM) và Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư Amber Fund Management (AFM). Nhưng có một Louis rất khác như vậy.
3.
Dù mọi thứ đều được cân đo bằng giá trị tài chính, nhưng nếu không thể trung thực đưa ra một con số, ắt hẳn sẽ bị mất niềm tin hay bị loại ngay khỏi phương trình. Từ năm 2005, đã hơn một thập kỷ trở về Việt Nam và lập các quỹ đầu tư, dù vào bất kỳ ngành nào, Louis cũng đề cao sự trung thực.
Ngược với hiện tại thành thạo và hiểu gần như hết các từ tiếng lóng, hồi mới về Việt Nam, Louis không thạo tiếng Việt. Tự học, tìm hiểu lại văn hoá nguồn cội, Louis còn phải đối mặt với e ngại sẽ thất bại khi về Việt Nam làm việc mà nhiều người Việt ở tiểu bang California nói tới.
Louis không muốn quay trở lại Mỹ trong tâm thế của một người thất bại. Thực tế cũng chứng minh điều này đã không xảy ra.
Trước khi thành lập Công ty quản lý Quỹ đầu tư SAM vào 2007, Louis từng là Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam và VinaCapital. “Không phải danh mục đầu tư nào cũng thành công. Đầu tư vào 10 công ty, nhưng nếu giá trị 2 phi vụ thành công có thể gấp nhiều lần 8 danh mục thất bại cũng có nghĩa là thắng”, Louis tính toán.
Louis quen việc tự lo cho bản thân, như không ngại đi chợ để xem siêu thị bán gì, giá cả thế nào. Đó cũng là cách để “nhìn ngắm” thị trường đang diễn biến như thế nào. Việc này thích hợp với công việc đầu tư của Louis.
Quỹ thời gian trong ngày được Louis dành phần nhiều cho công việc. Dù đã vào thế hệ “chú, bác”, nhưng Louis vẫn giữ một ngoại hình khoẻ mạnh, bởi biết tôn trọng bản thân bằng cách nói không với thuốc lá, rượu bia, đồ ăn mặn, dầu mỡ. Trung tâm tập gym gần Toà nhà Sunwah ở khu phố đi bộ là nơi mà mọi người có thể thường gặp Louis 3 buổi trưa trong mỗi tuần.
“Tôi cố gắng tránh xa những người mang lại căng thẳng trong công việc hay cuộc đời của mình, dù người đó mang tới nhiều lợi ích cho mình”, Louis thẳng thắn.
Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ. Câu nói ấy dù thế hệ quả chuối “da vàng - ruột trắng” như Louis chưa thể lược dịch sang phiên bản tiếng Anh, nhưng vẫn chưa quá muộn để Louis hiểu được ý nghĩa.
Tôi sợ một đời sống không đủ ý nghĩa và lãng phí
Ông là người thận trọng trong mọi mối quan hệ?
Tôi nghĩ, quan hệ với gia đình là quan trọng nhất. Đối với bạn bè thì chắc tôi có nhiều bè hơn là bạn. Tôi nghĩ mình chỉ cần 5 người bạn thân trên thế giới đã là quá đẹp. Bạn bè là gia đình thứ hai mà ta có thể chọn lựa. Chỉ khi xảy ra bất trắc, ta mới biết ai là người thân của mình. Tôi đề cao sự trung thành và từng bị phản bội, cả về công việc lẫn cá nhân. Khi đã bị thất bại trong tình yêu và sự nghiệp thì bạn sẽ thực tế hơn và không còn mơ mộng như tuổi trẻ.
Lỗi nằm ở đối tác hay người yêu của Louis?
Tôi không bao giờ đổ lỗi cho người khác trước khi nhìn vào gương, xem mình đã thiếu sót điều gì. Nhiều người có xu hướng đổ lỗi vào đối tác khi hợp tác không thành công hay đổ lỗi cho người phụ nữ khi mối quan hệ của họ với bạn trai, hay người chồng tan vỡ. Tôi nghĩ nên nhìn vào chính mình, xem có thể là nguyên nhân hay không. Không ai hoàn hảo và muốn phát triển thì phải biết cần thay đổi những gì trong chính mình.
Hồi nhỏ, Louis sợ bị kỳ thị. Lớn lên sợ thất bại nếu trở về Việt Nam làm việc. Còn bây giờ sợ gì?
Tôi sợ một đời sống không đủ ý nghĩa và lãng phí. Tôi suy nghĩ về chữ “Legacy” hay “Di sản” của cuộc đời. Rembrant để lại những bức tranh đẹp, Trịnh Công Sơn để lại những tình ca bất hủ, vậy thì một người bình thường như chúng ta sẽ để lại cái gì?
Trước đây, tôi muốn để lại cái gì đó có ý nghĩa khi mình rời cuộc sống này. Đó có thể là sự tử tế. Khi tôi rời cuộc đời này, những câu chuyện tôi kể, việc tôi có thể hỗ trợ người khác sẽ trở thành có ích với những người ở lại.
Trong cuộc sống nhiều khó khăn, nhiều lúc mình chỉ muốn những vấn đề đơn giản như một tổ ấm, cái bụng no, đủ tiền để sinh hoạt cho ngày mai. Tôi đã nằm trong tình trạng này và thông cảm rằng, có thể rất ít người suy nghĩ tới vấn đề “di sản”.