- [Longform] Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành: Tinh thần doanh nhân trong giai đoạn "bình thường mới"
- Doanh nhân Mai Hữu Tín: Đã là người Việt thì sẵn có tấm lòng với Đất Việt
- Doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược T&T Group: “Tinh thần doanh nhân dân tộc là một điều rất thiêng liêng”
- Doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: Kết nối lịch sử và tương lai
Bởi vậy, ngay từ đầu năm, phải bắt đầu ươm trồng, chăm sóc cho “hạt giống” mới mang tên: “Đổi mới - Chuyên nghiệp - Trách nhiệm”, để sẵn sàng cho một mùa vụ mới và tăng tốc trong một chặng đua mới.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC |
Kinh tế năm 2023 được dự báo khá khó khăn. Theo ông, điều này sẽ tác động ra sao đến doanh nghiệp?
Tuy đại dịch Covid-19 dần đi qua, nhưng một số quốc gia trên thế giới vẫn còn chịu ảnh hưởng nhất định. Đối với Việt Nam, những khó khăn của thị trường địa ốc liên quan mật thiết với thị trường tài chính. Điều này cũng đã phần nào được dự báo trước đó, vì với cách đầu tư bất động sản hiện nay, cung - cầu khó tránh lệch pha. Phân khúc dành cho người có thu nhập trung bình ít hơn cao cấp. Thêm vào đó, thị trường vốn là nơi để doanh nghiệp huy động nguồn lực, nhưng lại xảy ra những hệ lụy đáng tiếc như thời gian qua.
Năm 2023 sẽ có những khó khăn nhất định. Hết quý I/2023 cũng là thời điểm kết thúc hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch. Do đó, nhiều thách thức sẽ tiếp tục lộ diện trong 2 quý giữa năm 2023. Nhưng tôi dự báo, tình hình quý IV/2023 sẽ được cải thiện và hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn vào năm 2024, thị trường sẽ có nhiều triển vọng, tươi sáng.
Là một tập đoàn lớn, TTC đã chuẩn bị như thế nào để ứng phó với những diễn biến mới trong năm 2023, thưa ông?
Khó khăn của năm 2023 phần nào đã được dự báo và chúng tôi cũng đã có kịch bản từ rất sớm cho Tập đoàn TTC để ứng phó và vượt qua thách thức.
Năm 2023, TTC đề ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể với từng lĩnh vực, song không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, mà tập trung củng cố, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng sau đó. Chúng tôi kỳ vọng bức tranh kinh tế sẽ dần hồi phục từ quý II/2023, làm tiền đề cho năm 2024, hay nói cách khác là để bắt đầu một “chặng đua mới”.
Ông có mối quan tâm đặc biệt và rất hào hứng với ngành tài chính - ngân hàng?
Dĩ nhiên rồi! Hiện tại, tôi vẫn làm trong các lĩnh vực có liên quan đến tài chính. TTC có nền tảng và hệ sinh thái gồm hơn 120 đơn vị trực thuộc trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, bất động sản công nghiệp, du lịch, giáo dục, phạm vi hoạt động rộng khắp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Australia...
Các tổ chức, định chế tài chính quốc tế như IFC, FMO, DEG… đều có mối quan tâm, chủ động tìm đến TTC để mở rộng hợp tác đầu tư. Đơn cử, trong năm 2022, các quỹ từ Thụy Sĩ đã cấp khoản vay tín chấp cho Công ty Điện Gia Lai - GEC (thành viên của Tập đoàn TTC) đến 10 triệu USD.
Sắp tới, chúng tôi sẽ có cơ hội làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông qua các khoản vay cho mảng năng lượng tái tạo từ 10 - 20 triệu USD/thương vụ với lãi suất tốt và không có tài sản đảm bảo.
Thực tế, các định chế tài chính quan tâm đến Tập đoàn TTC không chỉ vì thương hiệu của một tập đoàn kinh tế tư nhân với hơn 43 năm hình thành và phát triển, mà còn vì thương hiệu cá nhân Đặng Văn Thành. Do đó, tôi thường chia sẻ với các doanh nhân trẻ rằng, uy tín thương hiệu và nhân hiệu rất quan trọng, cần phải được giữ gìn.
Bước sang năm 2023, ông có chia sẻ và nhắn gửi gì đến từng cán bộ, nhân viên, đặc biệt là đội ngũ đã, đang và sẽ là lãnh đạo của Tập đoàn TTC?
Những ngày làm việc cuối năm 2022 bận rộn, hối hả, song song với những vui buồn... Hối hả vì những công việc cần phải hoàn thành để “chốt” tại thời điểm 31/12 sao cho tươm tất, gọn gàng. Sẽ có những đơn vị vui vì thành tích nổi bật của cả một năm được đền đáp xứng đáng; cũng có một số đơn vị ít vui hơn một chút, vì nhiều tác động khách quan cũng như chủ quan.
Nhưng chung quy lại, như tôi hay nói: “Ngày nhanh - Năm chậm” và đây là lúc chúng ta cảm nhận được sâu sắc nhất ý nghĩa của câu này. Một năm qua đi, những điều làm được và chưa làm được đều được thể hiện bằng những con số biết nói thông qua các công thức rõ ràng.
Nhìn lại năm cũ luôn là việc cần làm, từ đó chúng ta soi rọi, đúc kết để năm tới được tiến bộ hơn, “cải tiến” trong mọi mặt, mà điều cần cải tiến trước hết chính là từ bản thân mỗi người.
Chúng ta phải là “lãnh đạo” của chính mình, kỷ cương với chính mình, có như vậy, góp nhặt lại mới mong có được sự cải tiến của cả một tổ chức. Mà đối với một tổ chức lớn, đa quốc gia như TTC, thì sự phổ quát trong thay đổi còn đòi hỏi nhiều thách thức hơn nữa. Đúng ngày 31/12, chúng ta khép lại 365 ngày đã “cũ” và cùng bắt đầu một mùa vụ mới - bằng một “hạt giống” mới, mang tên: “Đổi mới - Chuyên nghiệp - Trách nhiệm”.
Cá nhân tôi có niềm tin rằng, “hạt giống” này hứa hẹn mang đến những quả ngọt nếu chúng ta biết vun trồng, chăm sóc và quyết tâm thực hiện. Từ ngày 1/1, tại sao chúng ta không tự nhủ rằng: “Tôi đổi mới hơn chính Tôi của năm ngoái? Tôi chuyên nghiệp hơn chính Tôi của năm ngoái? Tôi trách nhiệm hơn chính Tôi của năm ngoái?”. Tất cả nằm ở ý chí, nghị lực, sự nghiêm khắc của bản thân và khả năng dẫn truyền những phẩm chất này đến các đồng nghiệp, anh em cấp dưới của mình, thậm chí là cấp trên của mình… Đó mới là những điều kiện cần, cũng như những nền tảng cơ bản để trở thành những lãnh đạo giỏi, chứ chưa nói đến một lãnh đạo xuất chúng.
Có nghĩa là, năm 2023, đội ngũ TTC sẽ đổi mới, chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm hơn, thưa ông?
Tôi cũng hay chia sẻ, nếu cứ giữ tư duy: “Đã vậy, đang vậy, và sẽ như vậy”, thì mãi mãi sẽ không có những thành tích vẻ vang hơn so với quá khứ. Chính vì vậy, nhân dịp bước vào năm mới, tại sao mỗi cán bộ, nhân viên TTC không tự ươm mầm cho mình hạt giống “Đổi mới - Chuyên nghiệp - Trách nhiệm”? Đừng để một năm, đừng để tuổi trẻ, nhiệt huyết và hoài bão bị trôi qua một cách nhàm chán và vô ích, mà hãy thực hành nghiêm túc để ngày này năm sau, chúng ta sẽ cùng nhau đón nhận những thành quả ngọt ngào, đôi khi còn vượt qua sự kỳ vọng của chính bản thân mình. Đó mới chính là ý nghĩa của sự thành công trong cuộc sống mà bất kỳ ai cũng cần phải có.
Chúng ta hãy hành động ngay ngày làm việc đầu tiên của năm, hãy bắt đầu ươm và chăm sóc cho “hạt giống” này, để nó được nảy mầm và phát triển, để cùng nhau trở nên đổi mới hơn - chuyên nghiệp hơn - trách nhiệm hơn trong năm 2023 và những năm kế tiếp.
Tôi tin rằng, với những nhân sự có năng lực, thì hạt giống “Đổi mới - Chuyên nghiệp - Trách nhiệm” của năm 2023 đã được gieo trồng. Vậy, hãy để cho sự nảy mầm được lan tỏa rộng khắp, nhân lên thành những điển hình để tất cả mọi người học hỏi và làm theo.
Kỷ nguyên 4.0 mà chúng ta hay nhắc tới sẽ không bao giờ thực hiện được nếu bản thân không thay đổi, làm việc không có deadline, không có giải pháp, không có biện pháp, không có động lực, hoặc không có chế tài.
“Chinh chiến” lâu năm trên thương trường, ông có nghĩ, đã đến lúc cần chuyển giao quyền lực lại cho các con?
Sau chặng đường dài gắn với thương trường, đến hiện tại, cuộc sống của tôi đã ổn định theo trật tự sắp xếp của mình. Tất cả đều theo quy luật của cuộc sống. Trên thương trường, thì bản thân ngày càng có kinh nghiệm, vững chãi; còn trong gia đình, chúng tôi có thêm các cháu đông vui. Hiện tôi có 6 người cháu (3 cháu nội và 3 cháu ngoại). Tôi cảm thấy hạnh phúc khi các con dần trưởng thành, tham gia làm việc, quản lý hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau cả trong và ngoài Tập đoàn TTC.
Con trai cả Đặng Hồng Anh hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC, là một doanh nhân trẻ với nhiều hoài bão và khát vọng cống hiến. Con gái thứ 2 là Đặng Huỳnh Ức My, đang quản lý lĩnh vực nông nghiệp (TTC AgriS) và nước dừa. Con trai thứ 3 là Đặng Huỳnh Anh Tuấn, quản lý lĩnh vực năng lượng và du lịch. Cậu con trai út Đặng Huỳnh Thái Sơn đang học hỏi kinh nghiệm ở lĩnh vực kinh doanh.
Nền tảng đầu tư đa lĩnh vực của TTC cũng chính là môi trường để các con trải nghiệm và đối đầu thách thức để trở nên vững vàng hơn. Đến một thời điểm nào đó thích hợp, vợ chồng tôi cũng sẽ bàn giao lại cho các con để nghỉ ngơi, nhưng chắc chắn, tôi vẫn sẽ đứng sau dõi theo.
Gia đình tôi thường ăn Tết ở tại Sài Gòn, vì đại gia đình chủ yếu ở Thành phố. Chúng tôi dành trọn thời gian trong dịp Tết để nghỉ ngơi, đi chúc Tết, thăm họ hàng, bạn bè..., sum vầy với con cháu. Vợ chồng tôi thường đi lễ chùa vào tối ba mươi để xin lộc, sau đó đem lộc tới trụ sở Tập đoàn TTC cúng. Sáng mồng 1 Tết, cả đại gia đình sẽ đi chùa, về Nhà Tổ thắp nhang cho ông bà, cha mẹ, thăm viếng bà con dòng họ và trong ngày này, cả nhà đều ăn chay.
Đặc biệt đã thành thông lệ, vào mồng 1, bà xã của tôi (doanh nhân Huỳnh Bích Ngọc - PV) đều xẻ dưa hấu đỏ để cả gia đình cùng ăn với mong ước cả năm đều gặp nhiều may mắn, tài lộc và thuận lợi.
- Doanh nhân Đặng Văn Thành