Doanh nhân
Chủ tịch Tập đoàn U&I Mai Hữu Tín: Doanh nghiệp đang lo mất lao động, mất khách hàng
Khánh An - 04/08/2021 11:05
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương cho rằng, đây là lúc bàn các vấn đề trong giai đoạn dịch bệnh, chưa thể nói đến phục hồi.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương.

Thưa ông, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp mà ông đã ký tên với chức danh Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, cùng với ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), rất nhiều thách thức doanh nghiệp đang phải đối mặt khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vào thời điểm này, các doanh nghiệp đang lo ngại những vấn đề gi

Chi phí tăng rất cao, mất lao động, mất khách hàng, phải đóng cửa nhà máy, xử lý nợ ra sao… đều là những vấn đề lớn với doanh nghiệp hiện nay.

Trong các vấn đề lớn đó, điều gì khiến doanh nghiệp lo nhất?

Người lao động lo lắng về nguy cơ bị nhiễm dịch, do hầu hết các nhà máy tổ chức 3 tại chỗ đều đã vướng dịch.

 Các doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực tổ chức 3 tại chỗ theo đề nghị của chính quyền, chấp nhận chịu chi phí rất cao để tổ chức ăn ở, xét nghiệm… và bảo đảm công việc, thu nhập cho người lao động… dù các nhà máy không được thiết kế để làm 3 tại chỗ.

Hiện nay, khi dịch lan rộng trong các nhà máy thực hiện 3 tại chỗ, tâm lý chung của các doanh nghiệp là muốn ngừng việc này để an toàn.

Khi gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đã nhắc đến những thành công của mô hình 3 tại chỗ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, bằng sự tuân thủ nghiêm của doanh nghiệp với các hướng dẫn về phòng chống dịch và sự hỗ trợ sát sao của các cấp chính quyền trong việc thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, duy trì đường dây nóng từ cấp lãnh đạo cao nhất tới các tổ, đội nhóm ở từng địa bàn, thường xuyên rà soát, đánh giá thực tiễn, nắm bắt các khó khăn vướng mắc của các nhà máy để kịp thời tháo gỡ....

Tại các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp nỗ lực áp dụng “3 tại chỗ” cũng không ít, vì đây là những khu công nghiệp trọng điểm, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất - xuất khẩu.

Những nhà máy đang tiếp tục làm như vậy thực tế là đang chấp nhận chịu lỗ để giữ việc làm cho công nhân và giữ uy tín với khách hàng. Họ đã hết sức cố gắng tuân thủ mọi quy định.

Chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp này nên được hỗ trợ thêm.

Nhưng hiện tại, đang có cụm từ “hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn…” xuất hiện ở văn bản của nhiều cấp chính quyền khác nhau. Nếu vậy, thì chúng ta xác định luôn là ngừng sản xuất luôn để doanh nghiệp dễ tính.

Theo ông, việc này nên gỡ thế nào vào lúc này?

Trước mắt, nếu muốn giữ sản xuất, dù ở mức tối thiểu, thì nên có khẳng định từ cấp cao nhất là người lao động trong các doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin sớm nhất để ổn định tâm lý.

Cùng với đó, các cấp chính quyền sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để trao đổi với người lao động về việc này. Mục tiêu là ổn định tinh thần công nhân và giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề khi có người lao động bị nhiễm dịch.

Vậy còn các giải pháp dài hơi hơn để phục hồi khi dịch được kiểm soát? 

Bây giờ là chuyện đang trong dịch. Chúng tôi cần gỡ ngay các vướng mắc hiện tại đã.

Tin liên quan
Tin khác