Sau hành trình 45 năm phát triển thì ông thấy đâu là thành công lớn nhất của TTC?
Trong suốt hành trình hình thành và phát triển 45 năm qua, TTC đã luôn nỗ lực tăng trưởng, đạt được kết quả tích cực. Điều này cũng đã được các nhà đầu tư của TTC đánh giá rất cao. Các ngành kinh doanh chủ lực của tập đoàn đang có vị thế tốt và chúng tôi sẽ tiếp tục “trung thành” đưa vào tầm nhìn đến 2030, với mục tiêu phát triển là thân thiện với môi trường.
Tổng kết lại 6 tháng đầu năm 2024, đa phần danh mục đầu tư của tập đoàn ổn định, trừ mảng bất động sản dân dụng và du lịch vẫn còn khá khó khăn do tính chu kỳ của kinh tế. Thứ nhất về mảng du lịch, tuy chưa thuận lợi lắm nhưng TTC luôn chủ động, tìm được giải pháp thay thế nguồn khách từ Nga và Trung Quốc bằng lượng khách dồi dào đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Chủ tịch Tập đoàn TTC |
Với mảng bất động sản dân dụng, trong bối cảnh chung của thị trường thời gian qua tạm gọi là “ngủ đông” và tiếp tục chọn bước đi thận trọng, kỳ vọng hồi phục trong thời gian tới. Dự kiến phải từ cuối năm 2024 đến năm 2025, ngành bất động sản dân dụng mới hồi phục sức cầu. Thậm chí, phân khúc cao cấp có thể chưa tan băng từ năm 2025. Chúng tôi nhận định rằng sự khó khăn của ngành bất động sản lần này tuy có quy mô lớn, nhưng đây là tính chu kỳ của ngành.
Trước đó, tập đoàn đã định hướng kịch bản thận trọng cho TTC Land. Cụ thể, doanh nghiệp không mở rộng dự án, không phát hành trái phiếu… Chỉ đến giai đoạn này, khi thị trường có một số tín hiệu tích cực, doanh nghiệp mới rục rịch bước vào “đường đua mới”. Nhìn vào bối cảnh thị trường chung, TTC định hướng sẽ tập trung phát triển các sản phẩm giá vừa túi tiền, dễ sở hữu.
Trong thời gian tới sẽ cho ra thị trường hàng ngàn sản phẩm căn hộ giá tốt tại Phú Quốc và Đà Lạt, kỳ vọng là nền tảng để mảng bất động sản có đà hồi phục trở lại.
Còn những ngành nghề khác của TTC phát triển và tăng trưởng ra sao, thưa ông?
Đối với bất động sản công nghiệp là lĩnh vực thành công trong danh mục đầu tư của TTC. Hiện TTC đang quản lý khoảng 1.300 hecta khu công nghiệp, hơn 70 hecta bất động sản kho vận. Mục tiêu tiến đến năm 2030 đạt hơn 2.000 hecta đất khu công nghiệp và hơn 100 hecta sàn kho vận. Các khu công nghiệp tiếp tục được mở rộng ở các địa phương.
Lợi thế của TTC là đa ngành nên sẽ ứng phó được với các tình huống và hỗ trợ qua lại các công ty thành viên. |
Đối với mảng năng lượng TTC có xuất phát điểm tiên phong trong phân khúc năng lượng tái tạo nên hưởng lợi từ giá điện ưu đãi, có quy mô hàng đầu thị trường về điện mặt trời/điện gió, điện sinh khối và sắp tới sẽ phát triển thêm điện rác.
Mảng nông nghiệp cũng thuận lợi trong bối cảnh an ninh lương thực đang được quan tâm. TTC AgriS giữ được thị phần cao nhất nước, cung cấp sản phẩm cho những khách hàng lớn cũng như xuất khẩu đến các thị trường khó tính. Trong thời gian chưa đầy 1 năm, TTC AgriS đã huy động thành công 220 triệu USD từ các định chế tài chính hàng đầu trên thế giới để mở rộng kinh doanh, chứng minh cho sự hiệu quả trong chiến lược kinh doanh của TTC AgriS.
Mới đây, TTC AgriS đã có sự thay đổi về nhân sự cấp cao và trước đó là tại TTC Land. Điều này cũng có nghĩa việc chuyển giao đang diễn ra tại tập đoàn, thưa ông?
Trong khó khăn, việc hỗ trợ công tác nhân sự của tập đoàn cho công ty thành viên và cấu trúc lại hoạt động công ty là điều hết sức bình thường, cần thiết trong chu kỳ mới này. Vừa qua, tập đoàn cũng đã sắp xếp lại nhân sự cho mảng bất động sản dân dụng, tăng cường nguồn lực nhiều kinh nghiệm, am hiểu thị trường để điều hành, quản lý lĩnh vực này.
Chưa kể, tiếp tục hỗ trợ TTC Land giải quyết các khoản nợ tồn đọng để doanh nghiệp có cơ hội đứng vững trên thị trường bất động sản. Đây là giải pháp tình thế để đẩy nhanh hoạt động chung của tập đoàn. Bất kỳ lĩnh vực nào cũng có chu kỳ suy thoái. Ngay cả mảng mía đường là mảng cốt lõi của tập đoàn cũng có giai đoạn khó khăn, nhưng đến nay phát triển rất tốt. Lợi thế của TTC là đa ngành nên sẽ ứng phó được với các tình huống và hỗ trợ qua lại các công ty thành viên.
Trong suốt hành trình hình thành và phát triển 45 năm qua, TTC đã luôn nỗ lực tăng trưởng, đạt được kết quả tích cực. |
Thế hệ trẻ sẽ có sức bật tốt để tiếp nối những thành quả của những người sáng lập TTC?
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều biến động và cạnh tranh khốc liệt, việc tìm kiếm thế hệ kế thừa trở thành yếu tố then chốt đảm bảo sự phát triển bền vững và trường tồn của các doanh nghiệp. Tầm quan trọng của việc này không chỉ nằm ở việc duy trì những giá trị và văn hóa doanh nghiệp đã được xây dựng mà còn mở ra những cơ hội đổi mới và sáng tạo.
Với thế hệ trẻ, họ được đào tạo, tiếp cận nền giáo dục từ các nước phát triển và có sức bật tốt. Thực tế cũng cho thấy, không chỉ các con của tôi mà các bạn trẻ sau này được đào tạo bài bản hơn, có điều kiện tiếp cận nền giáo dục của các nước phát triển. Tuy nhiên, kiến thức có, nhưng thế hệ trẻ vẫn thiếu kinh nghiệm thực chiến và các con tôi cũng vậy.
Đó là lý do chúng tôi để các con tập sự và có sự tư vấn, dõi theo để có thể hướng lại đúng đắn khi có những nhịp sai. Phải cho làm để thấy được lỗi sai, để mình sửa và dần đi đến hoàn thiện…
Đó mới là sự chuyển giao tại các công ty thành viên, còn với tập đoàn thì thế nào, thưa ông?
Đối với việc chuyển giao ở cấp độ tập đoàn, đến nay vẫn chưa kết luận chuyển giao cho ai bởi đây là cột mốc rất lớn. Quy luật “tre già măng mọc” và vợ chồng tôi đang cho các con tập sự. Nếu các con còn thiếu kinh nghiệm thì sẽ được bồi dưỡng thêm để hoàn thiện dần.
TTC ưu tiên không đầu tư mới nữa mà ưu tiên cho việc M&A |
Tuy nhiên, để lựa chọn chuyển giao người điều hành tập đoàn còn phụ thuộc rất lớn vào kết quả TTC đạt được trong vài năm tới.
Được biết, TTC vừa kỷ niệm 45 năm ngày hình thành tập đoàn (28/7/1979 - 28/7/2024). Nhìn lại chặng đường đã qua, TTC có nền tảng để đẩy mạnh M&A và thành công với chiến lược này ở tất cả các lĩnh vực đang hoạt động. Ông có thể chia sẻ thêm?
Với nền tảng đang có, chiến lược mở rộng của tập đoàn thời gian tới sẽ đi theo con đường tắt là M&A để phù hợp với dòng vốn, bởi mua hôm nay thì ngày mai có doanh thu, còn xây dựng mới phải mất 2 - 3 năm. Như đối với ngành giáo dục, chúng tôi đề ra mục tiêu giai đoạn 2024 - 2025 phải tập trung M&A mở rộng.
Hay đối với ngành năng lượng cũng vậy. Đây là cơ hội chuẩn bị tài chính để mua các nhà máy và sẵn sàng mua với giá cao, bởi chúng tôi tính được sự trượt giá trong cả một thập niên. TTC ưu tiên không đầu tư mới nữa mà ưu tiên cho việc M&A.
Trên hành trình phát triển ở thập kỷ thứ 5 này, mặc dù đứng trước rất nhiều thách thức mang tính khách quan, nhưng chúng tôi vẫn luôn kiên định với danh mục đầu tư là những ngành cốt lõi của nền kinh tế nước nhà.
Đặc biệt, Tập đoàn TTC ưu tiên chú trọng phát triển quy mô và danh mục theo hướng bền vững, phù hợp với với xu hướng chung của toàn cầu, tập trung vào các giá trị cốt lõi của một “trái đất xanh”, xuất phát từ những “nội tại xanh”.