Phối cảnh dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. |
Đây là thông tin được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào ngày 23/10.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là nhằm khai thác cao nhất vai trò của cụm cảng biển số 4, khai thác lợi thế luồng nước sâu ở cửa biển Cần Giờ. Đây là dự án mang tính bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, chứ không mang tính cạnh tranh làm suy yếu hệ thống cảng biển hiện có.
“Đây là dự án cơ bản sử dụng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, mang tính khả thi cao do nhà đầu tư là một trong những hãng vận tải tàu biển hàng đầu thế giới”, ông Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ tin tưởng, Dự án Cảng trung chuyển Cần Giờ không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển, mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI.
Được biết, Dự án đầu tư, khai thác cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng mức đầu tư khoảng 5,9 tỷ USD xây dựng hệ thống bến cảng có thể tiếp nhận được tàu 250.000 DWT, tổng chiều dài cầu bến khoảng 9km, sử dụng đất cù lao 90ha, công suất thiết kế 18 triệu Teu/năm.
Theo các chuyên gia, cảng trung chuyển hàng hóa container quốc tế được hình thành khi hội tụ đủ các điều kiện cần và đủ là điều kiện tự nhiên cho phép tầu lớn lưu thông, khu vực đã hình thành hình thái “chợ giao dịch hàng hóa container” và quan trọng nhất là sự tham gia của chủ tàu lớn quốc tế.
Cảng Cần Giờ, có chức năng khác với các cảng trong khu vực Đông Nam Bộ là cảng trung chuyển quốc tế. Liên doanh thực hiện dự án Cảng Cần Giờ được chủ tầu số 1 thế giới là MSC cam kết mục tiêu khai thác 80% là hàng trung chuyển quốc tế được mang từ các nước khác về. Khối lượng hàng hóa trung chuyển quốc tế nằm ngoài các các dự báo trong quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam.
Cùng với kế hoạch đầu tư cảng tại Cần Giờ được phân kỳ trong vòng gần 20 năm (đến năm 2040) qua 7 giai đoạn đầu tư, kế hoạch này phù hợp với tăng trưởng sản lượng vận tải biển quốc tế của MSC cũng như phù hợp với tiến trình phát triển hệ thống bến cảng khu vực Cái Mép. Có thể nói cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ gần như không ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thống cảng theo quy hoạch hệ thống cảng biển nhóm 4.