Chia sẻ thêm tại buổi họp báo trước ngày khai trưởng cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam, ông Tadashi Yanai cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Fast Retailing khẳng định, thị trường Việt Nam quan trọng trong chiến lược phát triển của Tập đoàn.
Đây là lý do khiến Fast Retailing đã tốn nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị trước khi chính thức ra mắt.
Ông Tadashi Yanai, nhà sáng lập/ Chủ tịch thương hiệu Uniqlo (Ảnh: Lê Toàn). |
Uniqlo còn đặt mục tiêu sẽ trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới vào năm 2020.
“Việt Nam nằm ở vị trí quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Uniqlo có thể thực hiện các chiến lược kinh doanh mà ở thị trường khác không thể làm được. Chắc chắn chúng tôi sẽ sản xuất nhiều hàng dệt may hơn nữa và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa tại Việt Nam”, ông Tadashi Yanai chia sẻ.
Nhà sáng lập Uniqlo chỉ trả lời 2 câu hỏi từ báo chí trong buổi Họp báo trong khi đó, ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám Đốc Uniqlo Việt Nam đại diện trả lời các câu hỏi còn lại dù không đưa ra dữ liệu cụ thể.
Ông Osamu Ikezoe nói rằng, họ sẽ không thực hiện chính sách giảm giá nhằm kích thích tiêu dùng mà dựa vào tiêu chí sản phẩm chất lượng cao, bền và giá phù hợp, dù không giải thích như thế nào được gọi là chất lượng cao, bền và giá phù hợp với thị trường Việt Nam.
Kế hoạch tiếp tục mở cửa hàng tiếp theo cũng như kinh doanh các thương hiệu khác của Fast Retailing đang được cân nhắc và đại diện này không tiết lộ thêm bất cứ thông tin nào cũng như từ chối trả lời phỏng vấn trực tiếp.
Trước mắt, Uniqlo sẽ chỉ tập trung kinh doanh tại cửa hàng vật lý như cửa hàng Uniqlo Parkson Đồng Khởi- có diện tích lớn nhất của Tập đoàn tại Đông Nam Á và chưa có kế hoạch mở “cửa hàng ảo” trên các trang thương mại điện tử.
Cửa hàng Uniqlo Đồng Khởi sẽ được khai trương vào sáng 06/12 (Ảnh: Lê Toàn). |
H&M, Zara cũng được xem là đối thủ của Uniqlo trên một số phương diện. Cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam được khai trương sáng mai tại TP.HCM chỉ cách khoảng 100 mét với cửa hàng H&M và Zara.
H&M được ví von với các nhà bán lẻ quần áo thương mại, thuê ngoài việc sản xuất các thiết kế của mình cho các quốc gia như Campuchia và Bangladesh, nơi có chi phí nhân công rẻ.
Theo Investopedia, H&M không trực tiếp sở hữu bất kỳ nhà máy nào và thay vào đó, họ có 900 đối tác là nhà cung cấp trên toàn thế giới, hầu hết trong số đó được đặt tại châu Âu và châu Á.
H&M có số lượng cửa hàng vật lý lớn nhất trong các thương hiệu trên, với hơn 4.900 cửa hàng tính đến đầu năm 2019.
Thực tế, H&M đã phải đóng cửa một số cửa hàng và dần đẩy mạnh sang mô hình dựa trên thương mại điện tử hơn.
Một phần trong chiến lược thúc đẩy doanh số của H&M là cung cấp cho khách hàng những sản phẩm nổi bật đã được bán trên thị trường dưới dạng hợp tác thiết kế với những tên tuổi nổi tiếng như Versace và Alexander Wang.
Bằng cách cung cấp các sản phẩm này trong các địa điểm của H&M, công ty đã nâng cao danh tiếng của mình bằng cách hợp tác với các nhân vật có giá trị trong thế giới thời trang và cung cấp cho khách hàng những dòng sản phẩm bổ sung khác biệt về kiểu dáng và phong cách so với các thiết kế chính của công ty.
Còn Zara “nhỏ tuổi” nhất trong bộ ba khi so sánh cùng Uniqlo và Zara, được ra đời từ 1975 và hiện có khoảng 2.200 cửa hàng tại 96 quốc gia.
Chiến lược của Zara là cung cấp số lượng sản phẩm cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Trong khi hầu hết các đối thủ đưa ra 2.000 đến 4.000 mặt hàng quần áo khác nhau mỗi năm thì sản lượng Zara đưa ra là hơn 10.000 chiếc.
Zara có thể thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm của mình trong các cửa hàng một cách nhanh chóng. Họ có thể thiết kế và đưa ra bán tại cửa hàng chỉ trong 30 ngày.
50% sản phẩm của Zara được sản xuất từ Tây Ban Nha, 24% được gia công từ các quốc gia có chi phí thấp như châu Á và châu Phi.
Còn Uniqlo được thành lập từ 1949 và Fast Retailing mua lại vào tháng 11/2005.Uniqlo đã có khoảng 2.000 cửa hàng tại 19 thị trường trên toàn thế giới.