Doanh nghiệp
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Cần nhìn nhận doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19
Kỳ Thành - 26/09/2021 11:33
Theo VCCI, công tác phòng chống dịch bệnh trở thành một phần không tách rời của quy trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí phòng chống dịch bệnh cũng thành một phần tất yếu.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra sáng nay (26/9), ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đại dịch Covid-19 đang hoành hành, tàn phá cả thế giới, đất nước ta cũng đang trong cuộc chiến cam go với đại dịch, sức khoẻ và tính mạng của nhân dân bị đe doạ, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) bị đình đốn.

“Mỗi tháng qua đi là cả chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, rời khỏi thị trường, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, tổn thất của cộng đồng DN là vô cùng lớn và có nguy cơ kéo dài”, ông Công lo lắng.

VCCI cho biết, trước thềm Hội nghị, cơ quan này đã nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội DN (bao gồm các hiệp hội trong nước, các hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, các LM HTX) và DN cả nước.

VCCI đã nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng Báo cáo tình hình hoạt động và đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN để báo cáo Thủ tướng tại hội nghị này. Báo cáo dày 52 trang, với phụ lục tổng hợp 192 kiến nghị cụ thể, đã được gửi tới các đại biểu dự hội nghị.

Chỉ trong 08 tháng đầu năm nay, đã có trên 85 nghìn DN, tức trên 10% số DN cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10 nghìn DN, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Và đằng sau mỗi DN phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế.

Với ảnh hưởng của dịch bệnh, của giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất. Tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.

Về lao động, theo khảo sát của VCCI, trung bình có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh.

Kết quả khảo sát về sức chịu đựng của DN Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội, cho thấy một DN điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng, trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

“Các khó khăn, vướng mắc cho các DN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là vô cùng nhiều, vô cùng lớn”, Chủ tịch VCCI nói.

Tập trung bàn giải pháp, ông Phạm Tấn Công cho biết, cộng đồng DN thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ “Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Từ đó, cơ quan này đề xuất 2 chủ trương mới:

Thứ nhất, cần nhìn nhận các DN là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Như trong thời chiến, chúng ta đã trang bị và thành lập các đội dân quân, tự vệ, nâng cao năng lực chiến đấu của cả nước. Trong cuộc chiến lâu dài chống Covid-19, chúng ta cần công nhận và cho DN chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của DN, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của DN trong điều kiện sống chung với dịch. Thời chiến tranh, dù bom đạn ác liệt chúng ta cũng không ngừng sản xuất, thì nay dù Covid thế nào, cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn. Để làm được điều này cần có chủ trương, nhận thức và quyết tâm thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.

“Cộng đồng DN đánh giá rất tích cực các nguyên tắc, giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Nguyện vọng chung các DN đều mong các giải pháp đề ra trong Nghị quyết nhanh chóng được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn này”, ông nói.

Đề xuất giải pháp cấp bách, ông Công cho rằng cần ban hành một Văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”.

“Hơn nữa, Chỉ thị không phải một hình thức văn bản pháp luật, chỉ nên sử dụng trong trường hợp cấp bách, không nên sử dụng lâu dài”, ông phân tích.

Đối với các giải pháp đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, ông Công cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh trở thành một phần không tách rời của quy trình sản xuất kinh doanh của DN, của quản trị DN; chi phí phòng chống dịch bệnh cũng thành một phần tất yếu của chi phí sản xuất.

Vì vậy, VCCI đề nghị Chính phủ, Quốc hội kịp thời cho triển khai nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, quy định mới, kể cả pháp luật, để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của DN trong điều kiện bình thường mới.

Đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi DN, Chủ tịch VCII kêu gọi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh... dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ DNNVV...

“Việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các DN đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và DN”, ông Công phân tích và kêu gọi cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

So sánh quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số nước trong khu vực năm 2020 và GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ, ông Công cho rằng, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng.

Về các giải pháp trung và dài hạn, ông Công cho rằng cần xây dựng các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững, như: cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đẩy mạnh cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định FTAs…

Tin liên quan
Tin khác