Thời sự
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp Việt có xu hướng ngày càng teo tóp
Công Sang - 29/04/2016 07:59
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiêp Việt Nam (VCCI), dẫu biết rằng các doanh nghiệp ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng điều đáng nói là khoảng một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể nói ở trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Bức tranh tổng thể về cộng đồng doanh nghiệp được ông Lộc nêu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay, 29/4, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp gỡ gần 1.000 doanh nghiệp tại Hội trường Dinh Thống Nhất (TP.HCM) và nghe ý kiến của doanh nghiệp từ hàng chục điểm cầu trực tuyến khác.

Theo đó, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật doanh nghiệp, ở nước ta đã có 941.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).

Trong riêng năm 2015 là 80.000 doanh nghiệp. Quý I/2016 tiếp tục có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn. Con số 42% này, mặc dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Ông Lộc lưu ý rằng tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng lên, song chênh lệch giữa số doanh nghiệp thành lập mới và giải thể, ngừng hoạt động đang thu hẹp lại. Trong điều kiện một nền kinh tế thị trường non trẻ, mở cửa, hội nhập và có nhiều cơ hội kinh doanh như ở Việt Nam, thì con số này rất đáng suy ngẫm và không thể coi là chuyện bình thường.

Cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế cũng có những biểu hiện đáng lo ngại: Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất cao chiếm tới trên 96%, còn nếu tính cả các hộ kinh doanh thì tỷ trọng còn cao hơn nhiều nữa. Chỉ có chưa đầy 2% là doanh nghiệp lớn và 2% là doanh nghiệp cỡ vừa.

Qui mô bình quân các doanh nghiệp xét theo tiêu chí lao động đã giảm đi trong những năm qua. Bình quân một doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 chỉ có 29 lao động, giảm so với qui mô 49 lao động của năm 2007. Theo ông Lộc đánh giá, doanh nghiệp Việt không những không lớn lên mà có xu hướng ngày càng teo tóp đi.

Xét về cơ cấu ngành nghề: Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước tập trung nhiều vào các lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ, bất động sản, tài chính, ngân hàng… ít chú trọng đầu tư vào sản xuất. Chưa có nhiều các nhà chế tạo sản xuất và các nhà kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao là doanh nghiệp tư nhân trong nước của Việt Nam. Cả nước mới chỉ có 1% số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp.

Những con số trên cho thấy, sau những năm sóng gió, suy giảm cả về sức sản xuất và niềm tin, bắt đầu từ cuối năm 2014, 2015, môi trường kinh doanh có phần khởi sắc, doanh nghiệp Việt mới đang bắt đầu quá trình hồi phục. Tuy nhiên, theo ông Lộc, đà hồi phục còn đang rất yếu, và xu hướng trì trệ, thiếu đột phá trong sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục. Năng suất và hiệu quả kinh doanh cải thiện không đáng kể, có mặt giảm sút nhìn chung chưa thể vui nổi với bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Tin liên quan
Tin khác