Thời sự
Chủ tịch Vilaf Võ Hà Duyên: Quy định mới về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế có "làm khó" hoạt động M&A?
Phan Hằng - Gia Huy - 08/08/2019 09:50
Đó vấn đề bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Vilaf chia sẻ, nêu quan điểm tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 vừa được tổ chức tại TP.HCM chiều 6/8. Theo đó, hầu hết quốc gia trên thế giới quy định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế dựa vào thị phần và doanh thu, rất hiếm quốc gia nào chỉ dựa vào ngưỡng giá trị tài sản.
Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Vilaf 

Tại Phiên thảo luận về chính sách đối với hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A), bà Duyên nhận định, thời gian qua Nhà nước đã không ngừng nghiên cứu những chính sách và quy định mới để khuyến khích đầu tư.  Hiện cộng đồng nhà đầu tư đang mong chờ Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp hay Luật chứng khoán.  

Những thay đổi này có thể giúp hoạt động M&A ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Phần lớn các thay đổi đều là nỗ lực để làm thông thoáng hơn môi trường pháp lý về đầu tư – đây là một điểm rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Cạnh tranh lại có một số điểm, theo bà Duyên, là đang tạo ra một số quan ngại, có thể tác động không tích cực với thị trường M&A, đặc biệt là quy định về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.

Theo bản dự thảo gần đây của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh, thương vụ M&A sẽ rơi vào ngưỡng thông báo tập trung kinh tế nếu có giá trị 1.000 tỷ đồng (tương đương trên 42 triệu đô Mỹ), hoặc tổng giá trị tài sản hoặc tổng doanh thu ở Việt Nam của một trong các bên vượt trên 85 triệu đô Mỹ, hoặc thị phần kết hợp của các bên trên thị trường liên quan vượt 20%.

Để so sánh, theo luật cũ, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế duy nhất là thị phần kết hợp 30%.

Như vậy, theo quy định đang đề xuất, số thương vụ phải thông báo tập trung kinh tế có thể tăng nhiều lần so với luật cũ.  

Thương vụ M&A giá trị trên 42 triệu đô đang trở nên rất phổ biến trên thị trường Việt Nam.  Và với các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, năng lượng hay bất động sản thì giá trị tài sản trên 85 triệu đô Mỹ cũng là phổ biến.  

Như vậy, dự thảo có thể làm Uỷ Ban Cạnh tranh quốc gia bận rộn hơn nhiều và không rõ liệu có đủ nhân sự để đáp ứng khối lượng công việc theo yêu cầu của Dự thảo Nghị định hay không.

Theo bà Duyên, nhìn lại các thương vụ Vilaf đã tư vấn trong 2 năm vừa qua, giả sử nghị định này đang có hiệu lực trong thời gian đó, thì có vẻ là tất cả các thương vụ đó đều phải thông báo tập trung kinh tế vì sẽ bị rơi vào một trong các ngưỡng trong dự thảo này.   

Liệu thay đổi này sẽ có ảnh hưởng tích cực cho mục tiêu tạo bứt phá cho hoạt động môi trường M&A trong những năm tới ở Việt Nam nói chung hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Bà Duyên ước tính, nếu được ban hành, Nghị định sẽ kéo dài thời gian hoàn tất mỗi thương vụ thêm từ 1 đến 3 tháng, tăng chi phí thương vụ trên toàn thị trường một cách đáng kể và tăng gánh nặng vận hành đối với Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia.

Trong khi đó, thay đổi này không chắc là cần thiết cho việc điều tiết rủi ro hạn chế cạnh tranh của hoạt động tập trung kinh tế.  

Ví dụ, trong lĩnh vực hạ tầng, năng lượng hay bất động sản, tài sản nhà đầu tư có giá trị trên 85 triệu đô là bình thường, và với giá trị tài sản này, thông thường chỉ có thể đạt được một thị phần không đáng kể, không thể nào bằng M&A ảnh hưởng được lên tính cạnh tranh của thị trường.  

Nhưng, theo dự thảo nghị định, thì tất cả các nhà đầu tư này phải làm thủ tục thông báo tập trung kinh tế khi mua bán dự án.

Để so sánh, luật Singapore và Hong Kong quy định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế là khi thị phần kết hợp đạt 40%, chênh lệch rất xa với tỷ lệ 20% đề xuất trong dự thảo.   

Ngoài ra, hầu hết quốc gia trên thế giới quy định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế dựa vào thị phần và doanh thu, và rất hiếm quốc gia nào chỉ dựa vào ngưỡng giá trị tài sản vì ảnh hưởng của giá trị tài sản lên tính cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực và ngành nghề đầu tư.

Do vậy, các ngưỡng thông báo trong dự thảo nghị định không những có thể làm tăng nhiều lần khối lượng công việc và thời gian hoàn thành thương vụ, mà còn đi khá xa so với ngưỡng tập trung kinh tế theo luật cạnh tranh của các quốc gia láng giềng ở châu Á.

“Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia còn trong quá trình hình thành và nghị định chưa được ban hành. Hy vọng là khi ban hành nghị định sẽ có những chỉnh sửa phù hợp hơn với mong chờ của cộng đồng đầu tư”, bà Duyên bày tỏ.

Tin liên quan
Tin khác