Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) diễn ra ngày 13/9, bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, Chủ tịch WEF Borge Brende bày tỏ sự ấn tượng của mình với nhiều cải cách kinh tế của Việt Nam thời gian qua.
Chúc mừng Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh trong 8 năm qua, kể từ khi WEF lần đầu được tổ chức tại Việt Nam năm 2010, ông Borge Brende đánh giá, trong 8 năm qua, GDP của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, cùng với đó là giá trị xuất khẩu tăng gấp 3 lần.
Chủ tịch WEF cho biết, qua theo dõi đánh giá, tổ chức này nhận thấy giá trị thị trường chứng khoán đã tăng gần gấp đôi trong 2 năm qua, tăng trưởng năm 2018 dự báo xấp xỉ 7%, trong khi lạm phát ở mức thấp và ổn định. Đầu tư nước ngoài gia tăng, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh, từ khoảng 50% vào những năm 1990 xuống còn 3% hiện nay. “Cho phép tôi chúc mừng Ngài Thủ tướng và Việt Nam về những thành tựu này”, ông Borge Brende nói.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam diễn ra chiều 13/9 tại Hà Nội |
Theo ông Borge Brende, Chính phủ Việt Nam đã “không ngủ quên trong chiến thắng và không tự mãn”, mà đang tiếp tục cải cách thay đổi để đảm bảo tăng trưởng trong tương lai. Một số điểm tích cực mà Chủ tịch WEF dẫn chứng cho lập luận này đó là nợ công trong những năm gần đây được điều chỉnh xuống tỷ lệ phù hợp, đảm bảo sự bền vững tài chính. Về tín dụng ngân hàng, Chính phủ Việt Nam đã có biện pháp điều chỉnh nợ xấu, cải cách ngân hàng để minh bạch hơn trong tương lai.
“Tôi mong rằng sẽ có sự mở thị trường tài chính ngân hàng nhiều hơn để có sự cạnh tranh nhiều hơn”, ông Borge Brende bày tỏ.
Vị Chủ tịch WEF cũng đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia ủng hộ tự do thương mại mạnh nhất trên thế giới, với Hiệp định thương mại tự do được ký kết gần đây nhất là CPTPP. Đó là ví dụ điển hình về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy thương mại. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có những bước đi cải cách khối doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa và cải cách quản trị tại những tập đoàn yếu kém.
Ông cũng chỉ ra khó khăn với Việt Nam là "đối mặt với những đổi mới như Internet vạn vật, tiền ảo...". Tuy nhiên, quốc gia tận dụng những nhân tố này sẽ thành công trong tương lai.
Tại Hội nghị này, ngoài những định hướng về tầm nhìn, chương trình cải cách và triển vọng phát triển của Việt Nam gắn kết với các chuỗi giá trị toàn cầu, các Bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh doanh hàng đầu sẽ giới thiệu cụ thể các cơ hội kinh doanh với Việt Nam trong kỷ nguyên số, đặc biệt là các dự án đổi mới sáng tạo, các cơ hội đầu tư tài chính trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có các dự án phát triển cơ sở hạ tầng số trong nền kinh tế, để góp phần thực hiện ý tưởng về kết nối số với ASEAN và thế giới.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là những lĩnh vực được dự báo là sẽ có sự phát triển bùng nổ trong một nền kinh tế có tốc độ phát triển cao và hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam. Các cơ hội này càng lớn hơn, trong bối cảnh xung đột thương mại trong nền kinh tế toàn cầu có diễn biến phức tạp và chính sách hướng Nam mới ở các nền kinh tế Đông Bắc Á đang được gia tốc, và Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một điểm đến thân thiện, an toàn.