Doanh nghiệp
Chủ tịchThế Giới Di Động: Doanh nghiệp đừng ru ngủ nhau với lợi thế am hiểu địa phương nữa
Công Sang - 30/03/2016 11:24
Nhiều chuyên gia nhận định rằng khi thị trường Việt Nam ngày càng mở cửa thì lợi thế lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước chính là am hiểu địa phương. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho rằng đó là khái niệm rất mơ hồ và không có nhiều ý nghĩa trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.

Phát biểu tại hội thảo “Ngành bán lẻ Việt nam bước chân vào Thế giới phẳng – Cơ hội hay thách thức” do Công ty CP Chứng khoán Công Thương phối hợp cùng Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường Công nghệ và Bán lẻ GFK Việt Nam, Công ty CP MWG tổ chức hôm 28/3 vừa qua, ông Tài dẫn chứng cho nhận định của mình bằng trường hợp của Trung tâm Thương mại Aeon Mall.

“Bây giờ cứ những ngày cuối tuần, chúng ta đi tới Aeon Mall Tân Phú hay Aeon Mall Bình Dương sẽ thấy nó đông như thế nào. Mọi việc diễn ra trong một thời gian ngắn. Chúng ta hãy nhìn vào sự thật là các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam 1 năm hiểu khách hàng hơn doanh nghiệp trong nước đã làm 10 năm.”, ông Tài nói.

.

Ông Tài cho rằng dù cạnh tranh ở trong nước hay nước ngoài thì đều có mẫu số chung cho các doanh nghiệp còn trụ vững chính là lấy khách hàng làm trung tâm.

Để làm được điều này, ông Tài cho rằng cần có hai yếu tố là một hệ thống quản trị Công ty tốt và đội ngũ nhân viên có động lực, máu lửa phục vụ khách hàng.

Nói về câu chuyện mở rộng sang thị trường các nước lân cận, ông Tài cho biết Công ty sẽ qua tham quan và sau đó mời các nhà bán lẻ ở các thị trường MWG quan tâm về Việt Nam. Khi nhận thấy cơ hội mới mở rộng hàng loạt.

“Chi phí đâu đó khoảng vài triệu USD, con số này không lớn với MWG nên chúng tôi sẽ chưa nghĩ đến chuyện vay vốn.”, ông Tài nói.

Còn theo ông Khổng Phan Đức, Tổng Giám đốc VietinBankSc, trong năm 2015, tổng doanh số ngành bán lẻ bao gồm hàng hóa và dịch vụ là 3,2 triệu tỉ đồng, tăng 8,4% so với năm 2014.

Tính riêng lĩnh vực hàng hóa là 2,5 triệu tỉ đồng, nếu loại bỏ yếu tố tăng giá 9,5%, thì tăng trưởng so với năm 2014 là 8,1%. Đây là dấu hiệu tích cực và lạc quan.

“Năm 2016, ngành bán lẻ sẽ thu hút các nhà đầu tư vào giá trị Công ty. Đây là điều đáng mừng.”, ông Đức nói.

Tin liên quan
Tin khác