Doanh nhân
Nguyễn Đức Tài: Tạo sân chơi cho người tài
Song Hà - 05/04/2012 23:00
“Truyền lửa” và tạo sân chơi để mỗi cộng sự phát huy tối đa tài năng là tâm niệm của doanh nhân Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc CTCP Thế giới di động.
TIN LIÊN QUAN

Không bao giờ “thưởng”

Năm 2004, khi Công ty Thế giới di động được thành lập, lĩnh vực này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì thế, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, khi những người bạn của Nguyễn Đức Tài chấp nhận rời công việc hấp dẫn đang làm, để cùng ông “tái khởi nghiệp” ở mặt trận mới chưa biết rõ lành - dữ. Thậm chí, có vị giám đốc tài chính một công ty nước ngoài đồng ý nghỉ việc, để cùng lập công ty với ông và chỉ nhận lương tháng 3 triệu đồng.

Có lẽ, chính sự lựa chọn của Nguyễn Đức Tài cũng đã là một lời giải nho nhỏ, khi ông từ bỏ vị trí Giám đốc chiến lược mà không ít người ao ước tại S - Fone để đầu tư cho Thế giới di động. Nhưng quan trọng hơn, như Nguyễn Đức Tài chia sẻ, làm việc gì cũng phải có niềm tin vào chính mình và truyền được niềm tin ấy cho những người đồng hành.

Thời điểm ấy, tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động của Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 7-8% dân số. Nhưng Nguyễn Đức Tài đã thành công khi thuyết phục được những người bạn đồng sáng lập công ty rằng, một ngày không xa, Việt Nam sẽ có tới 45% dân số sử dụng điện thoại di động như Thái Lan, rồi sẽ có 90% dân số dùng điện thoại di động như tại Hồng Kông. Đó là mảnh đất hoang sơ để ông và các cộng sự khai thác.

Vấn đề là, Thế giới di động sẽ “khai hoang” mảnh đất đó như thế nào? Trong một lần tìm mua điện thoại cho vợ, ông nhận ra rằng, cái thiếu của người tiêu dùng chính là thông tin một cách đầy đủ, chính thống và chuyên sâu về các chủng hàng. Trải nghiệm cá nhân đó giúp ông xác định hướng đi, đó là phải cung cấp dịch vụ bán điện thoại di động thật tốt, kết hợp với việc cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết trên website.

Qua những thất bại ban đầu, nhất là khi những cửa hàng quy mô nhỏ đầu tiên ít được khách ngó ngàng, Thế giới di động đã dần tạo lập và khẳng định được vị thế.

Đến nay, khi số thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam vượt quá dân số gần 100 triệu, Thế giới di động đã có hơn 219 cửa hàng tại 63/63 tỉnh, thành phố, doanh số năm 2011 đạt 6.000 tỷ đồng.

Bước phát triển ấy của Thế giới di động gắn liền với phương châm “bán sự hài lòng” cho khách hàng, và “chia sẻ thành quả” với cộng sự của Tổng giám đốc Nguyễn Đức Tài. Ông vui khi nhiều cộng sự trẻ cùng mình đi trên con đường mới mẻ, khó khăn, nên coi việc chia sẻ thành quả với họ là trách nhiệm. Chính vì thế, hàng năm, Công ty dành từ 50 - 70 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, nhân viên mua nhà, mua xe, mà nhiều trường hợp không cần phải ký cam kết làm việc cho Công ty bao lâu.

“Tôi không coi đó là phần thưởng. Chính mỗi cán bộ, nhân viên đã góp sức làm nên thành quả chung, vì thế, họ xứng đáng được chia sẻ thành quả ấy”, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Tài quả quyết.

Thu hút người “cùng hệ”

Nguyễn Đức Tài có khái niệm “người cùng hệ”. Ông bảo, “cùng hệ” nghĩa là người cùng chia sẻ các giá trị cốt lõi với mình. Vì thế, ông đề ra nguyên tắc kinh doanh và điều hành gồm 6 điểm, được coi là kinh nghiệm xương máu, đúc kết qua nhiều năm chinh chiến và ngót một thập kỷ phát triển Thế giới di động. Đó là: (i)Trung thực với đồng nghiệp, khách hàng; (ii). Uy tín, nói là làm; (iii) Mình là nguồn gốc của sự việc; (iv) Tinh thần đội, nhóm; (v). Thành thật quan tâm đến người khác; (vi). Tận tâm với khách hàng.

“Trong kinh doanh, hệ thống quản trị khoa học, hiện đại là rất quan trọng, nhưng đó cũng chỉ là công cụ. Còn “linh hồn” của doanh nghiệp phải là các giá trị cốt lõi, như “trung thực, uy tín, trách nhiệm, tinh thần đồng đội, sự thành tâm”. Chính những giá trị đó hướng cho hành xử của mỗi cán bộ, nhân viên, đảm bảo họ “cùng hệ” với nhau. Nhờ vậy, hệ thống Thế giới di động, với hơn 8.000 nhân viên mới cùng chia sẻ được tầm nhìn, mục tiêu và cách cư xử để cùng nhau hướng tới tương lai”, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Tài phân tích.

Có người bảo, các tập đoàn đa quốc gia, lịch sử phát triển hàng trăm năm, nói có văn hóa doanh nghiệp, có giá trị cốt lõi thì nghe được. Một doanh nghiệp Việt, còn non trẻ, lại đề ra mục tiêu xây dựng môi trường văn hoá doanh nghiệp tôn vinh các giá trị “trung thực, uy tín, quan tâm đến người khác” như thế, nghe có vẻ “sến” và lạc lõng trong xã hội đương đại.

Nhưng Nguyễn Đức Tài không cho rằng, phương châm đó của Thế giới di động là “lạc lõng”. Ông bảo, ông tin và nhận thấy vẫn còn rất nhiều điều tốt, nhiều người tốt ở xung quanh. Vấn đề là, để hướng họ vào cùng một mục tiêu phát triển, phải nhìn ra “người cùng hệ”.

Và để tìm ra “người cùng hệ”, có sự “tận tâm với khách hàng”, ông có lối tuyển dụng nhân viên bán hàng khá độc đáo: tìm hiểu xem khi ở nhà, họ quan tâm, giúp đỡ cha mẹ, anh em thế nào. Cái lý là, nếu họ không quan tâm, giúp đỡ chính những người thân yêu nhất của mình, thì làm sao họ có thể quan tâm, phục vụ khách hàng tốt được? Ngược lại, nếu họ có khả năng phục vụ tại gia đình thì ít ra xác suất thành công của việc phục vụ khách hàng phải cao hơn 50%.

Còn khi những bạn trẻ “không cùng hệ” ra đi, ông buồn lòng, nhưng tự trách mình đã không truyền được nhiệt huyết và các giá trị cốt lõi cho họ.

“Mình cố gắng tạo dựng ra một môi trường làm việc văn hoá, với những giá trị tốt đẹp, nhưng khó trách họ, bởi bên ngoài có nhiều trải nghiệm, cả những trải nghiệm tốt và những giá trị khác, thậm chí đi ngược lại cái tích cực, có thể làm các bạn trẻ bối rối và lạc hướng”, ông chia sẻ.

Tâm sự của ông, phần nào đã lý giải thêm về các giá trị và nguyên tắc kinh doanh ông đặt ra, trong đó, có nguyên tắc “Mình là nguồn gốc của sự việc”, nghe như khó hiểu, khiến nhiều người tò mò: “Tôi xây dựng văn hóa kinh doanh cho Công ty là phải tự chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho người khác hay cho môi trường xung quanh. Vì thế, cần nhấn mạnh đến chuyện tìm ra giải pháp, chứ không phải tìm “thủ phạm” để đổ lỗi khi có sự cố xảy ra. Khi người ta thấy được “mình là nguồn gốc cuả sự việc”, thì sự việc có nhiều khả năng để giải quyết. Còn lúc nào cũng chỉ thấy lỗi là từ bên ngoài, thì làm sao giải quyết thấu đáo, hiệu quả được?”

Ra biển lớn để không mắc cạn

Ông bảo, lãnh đạo doanh nghiệp, dù tài giỏi đến mấy, cũng không thể làm mọi thứ một mình. Như con tàu ra khơi, phải có thuyền trưởng, thủy thủ, hay thợ máy. Bây giờ là thời của đội, nhóm, gắn kết với nhau bởi đức - tài mới có thể thành công. Nếu Tài ít, Đức nhiều thì thành công sẽ chậm. Nếu Tài nhiều, Đức nhiều thì thành công nhanh. Còn nếu Tài ít, Đức ít, thì sớm hay muộn, cũng sẽ bị đào thải. Dường như, cái tên Nguyễn Đức Tài của ông đã thể hiện phần nào quan điểm ấy, khi chữ Đức được đặt trước chữ Tài.

Nguyễn Đức Tài cũng thành thật rằng, trước đây mình là một con người khác hẳn bây giờ. Để có thể khẳng định và tôn vinh những giá trị cốt lõi đầy nhân văn đó, ông đã từng khổ sở, vật lộn với nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”. Đơn giản, khi khó khăn, người ta phải làm mọi thứ, trước hết là để tồn tại. Đó là quy luật sinh tồn.

Nhưng đến khi Công ty “hòm hòm” một chút, thì để phát triển, để có sự bền vững, đủ sức đi trên con đường dài, không thể không coi trọng xây dựng các giá trị nhân văn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Có thế, “con tàu” doanh nghiệp mới có thể ra khơi, không bị “mắc cạn” trước những vướng bận, trở ngại, thậm chí là cám dỗ.

Thì đấy, để có được chuỗi cửa hàng Thế giới di động tên tuổi và thành công như hôm nay, ông đã từ chối nhiều lời mời gọi hấp dẫn, dành sự tập trung tối đa cho lĩnh vực “di động” đã chọn. Nếu Nguyễn Đức Tài và Thế giới di động “mắc cạn” với những khoản tiền trước mắt, với những đề nghị thơm mùi lợi nhuận để chấp nhận có thêm những mặt hàng khác ngoài lĩnh vực di động đứng chân trong Công ty, thì Thế giới di động biết đâu đã không có diện mạo ngày hôm nay?

Giản dị. Cụ thể. Không mắc cạn. Giống như triết lý của “Nhà quản lý thoáng” - cuốn sách ông yêu thích, Nguyễn Đức Tài luôn tâm niệm phải tạo dựng được “sân chơi” cho những người tài, chia sẻ thành quả với họ để họ phát triển hết khả năng của mình. Đó cũng là một cách để ông không mắc cạn bởi những trở ngại, cám dỗ và tự tin tiến ra biển lơn.

Tin liên quan
Tin khác