Ngân hàng - Bảo hiểm
Chưa có hiện tượng tiền gửi "chạy" từ ngân hàng này sang ngân hàng khác
T.L - 07/01/2025 18:01
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, một số ngân hàng tăng lãi suất song vẫn trong phạm vi chấp nhận được, hiện chưa có tình trạng tiền gửi chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác hay chảy sang kênh đầu tư khác.

Trao đổi với báo chí chiều nay (7/1), Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Tuy vậy, mức tăng lãi suất vẫn “trong khung”, chưa gây ra tác động bất lợi với chính sách tiền tệ nên chưa cần có biện pháp tác động để ngăn chặn việc lãi suất huy động tăng quá cao, tạo mất cân bằng.

Phó thống đốc Đào Minh Tú

Thực tế, lãi suất được một số ngân hàng điều chỉnh tăng song cũng không tạo chênh lệch quá nhiều, không dẫn tới tình trạng tiền gửi "chạy" từ ngân hàng này sang ngân hàng khác hay chảy sang kênh đầu tư khác.

Theo thống kê của NHNN, năm 2024, lãi suất huy động bình quân tăng 0,73%/năm so với cuối năm 2023 nhưng lãi suất cho vay bình quân giảm 0,59%/năm. Trong đó, nhóm ngân hàng Big4 giảm lãi suất cho vay trung bình gần 1%/năm so với cuối năm 2023. Việc giữ ổn định lãi suất đã góp phần đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát 3,63%, tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024.

Liên quan đến tình trạng một số ngân hàng đưa ra các mức ưu đãi khác nhau cho khách hàng VIP, áp dụng chính sách huy động khác nhau giữa các chi nhánh, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết thêm, về nguyên tắc, lãi suất huy động do cung – cầu thị trường quyết định. NHNN đã có thông tư quy định các tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi của khách hàng phải có quy trình nội bộ chặt chẽ. NHNN sẽ rà soát việc thực hiện quy trình nội bộ của các ngân hàng trong thực hiện huy động vốn.

Năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao. Việc ổn định lãi suất điều hành tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.

“Lãi suất điều hành năm 2024 tiếp tục duy trì sự ổn định, hài hòa giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng như hài hòa với lợi ích của nền kinh tế. Dù không điều chỉnh lãi suất điều hành song NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD…”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Năm 2025, NHNN cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, cụ thể: (i) Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT.

Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...   

Chia sẻ tại Chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” mới đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBS) cho rằng, năm 2025, NHNN Nếu không tăng lãi suất thì có thể phải điều chỉnh biên độ tỷ giá. 

“Có thể về xu hướng trong năm 2025, lãi suất điều hành sẽ tăng, nhưng nhiều khả năng không phải trong nửa đầu năm. Nếu NHNN chưa tăng lãi suất thì sẽ phải điều hành linh hoạt hơn trong câu chuyện tỷ giá, cho phép VND biến động trong biên độ lớn hơn”, ông Sơn nhận định.

Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo thống kê (NHNN), các tổ chức tín dụng dự báo lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng khoảng 0,2-0,3% trong cả năm 2025. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất năm 2025 được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định.

Tin liên quan
Tin khác