Ngân hàng - Bảo hiểm
Chưa có thêm tín hiệu “siết” tín dụng bất động sản
Hà Tâm - 01/04/2018 10:30
Dù liên tục phát ra cảnh báo, song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có động thái cụ thể nào cho thấy đang siết thêm tín dụng bất động sản.
Các ngân hàng rất thích cho vay bất động sản vì lợi nhuận lớn, tài sản đảm bảo ít bị mất giá, có tính thanh khoản cao. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Vốn vẫn chảy mạnh vào bất động sản

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), thị trường bất động sản đang tiếp tục ấm lên, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn, từ vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối… cho đến vốn tín dụng của các ngân hàng.

“Các ngân hàng hiện tại không chỉ là kênh cung vốn cho các doanh nghiệp bất động sản - nguồn cung, mà còn hướng tới những nhà đầu tư, người tiêu dùng có nhu cầu mua bất động sản”, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch NFSC cho biết.

Tín dụng bất động sản hiện chỉ chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng cả nước, song lại “ẩn nấp” khá nhiều ở tín dụng tiêu dùng. Những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng tăng tới 50 - 60%, chiếm khoảng 17% tổng tín dụng cả nước. Hơn 50% tín dụng tiêu dùng được phục vụ nhu cầu vay mua, sửa chữa nhà ở. 

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu tính toán một cách đầy đủ, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp (qua kênh cho vay tiêu dùng, cho vay xây dựng), thì tổng dư nợ cho vay bất động sản có thể lên tới 20% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

“Có thể thấy, mặc dù có những chính sách hạn chế tín dụng sang thị trường bất động sản, nhưng xét về tổng thể, bằng nhiều cách, cả về trực tiếp lẫn gián tiếp, nguồn vốn, chủ yếu là vốn ngân hàng, vẫn tiếp tục tăng và góp phần phục hồi thị trường này”, ông Trương Văn Phước nhận định.

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại cũng rất thích cho vay bất động sản vì lợi nhuận lớn, tài sản đảm bảo ít bị mất giá, có tính thanh khoản cao…

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, bất động sản là ngành thiết yếu của nền kinh tế. Sự phát triển ổn định của ngành này là động lực quan trọng để phát triển bền vững nền kinh tế nói chung, nên NHNN không có quan điểm siết tín dụng bất động sản.

“Chính sách tiền tệ đối với ngành bất động sản không phải là hạn chế tín dụng vào ngành này, mà là phải hỗ trợ để thị trường phát triển lành mạnh”, ông Tú Anh khẳng định.

Không siết thêm, nhưng sẽ giám sát chặt

Việc tín dụng dồn dập đổ vào bất động sản khiến một số chuyên gia lo ngại. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, mức độ rủi ro trong thị trường bất động sản đang tăng lên, khiến NHNN phải lên tiếng cảnh báo về tín dụng bất động sản.

Cụ thể, đầu năm nay, NHNN đã có Văn bản 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, hạn chế tập trung tín dụng với lĩnh vực bất động sản, xây dựng…  Cũng bắt đầu từ ngày 1/1/2018, theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chỉ còn 45%. 

Năm 2018, chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, nhằm duy trì đà phát triển ổn định cần thiết. Tuy nhiên, để thị trường không phát triển quá nóng, gây bất lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô thì các cảnh báo, các giải pháp thận trọng là rất cần thiết.
TS. Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ

Dù vậy, những tín hiệu mới về “siết” tín dụng bất động sản cũng đang làm doanh nghiệp lo lắng. Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Hà Nội cho rằng, nếu tín dụng vào bất động sản bị hạn chế, thì hàng loạt doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng, người dân cũng khó tiếp cận nhà giá rẻ hơn.

Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, việc NHNN phát ra cảnh báo với tín dụng bất động sản là bình thường và điều này không hàm ý NHNN bắt đầu siết tín dụng bất động sản.

“Nếu NHNN hạn chế về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bất động sản thì mới có thể coi là siết, còn nếu chỉ phát ra cảnh báo thì chưa thể coi là siết”, ông Tú Anh khẳng định.

Mặc dù vậy, đại diện NHNN cũng cho rằng, bất động sản là ngành tiềm ẩn rủi ro cao, rất dễ tạo ra các bong bóng đầu cơ và có nguy cơ gây đổ vỡ cả nền kinh tế khi các bong bóng bất động sản xì hơi. Chính vì vậy, quan điểm của NHNN là phải luôn luôn giám sát, luôn luôn cảnh báo rủi ro bất động sản để hạn chế tối đa các nguy cơ bong bóng. 

Được biết, năm 2017, NHNN cũng liên tục đưa ra các cảnh báo về tín dụng bất động sản, song vẫn duy trì nguồn vốn hợp lý cho thị trường này phát triển ổn định có kiểm soát. Việc cảnh báo thường xuyên giúp doanh nghiệp bất động sản không phát triển quá nóng, dẫm vào vết xe đổ trước đây.

Tuy nguồn vốn tín dụng đổ vào thị trường bất động sản sẽ vẫn tiếp tục chảy bình thường trong năm 2018, song các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng kênh hút vốn, giảm phụ thuộc vào ngân hàng. Muốn vậy, doanh nghiệp phải tạo được niềm tin cho những khách hàng, nhà đầu tư hoạt động uy tín, minh bạch.

Tin liên quan
Tin khác